Tom Ford được biết đến trong vai trò nhà thiết kế, đạo diễn phim, hay nhà sưu tầm nghệ thuật. Và bây giờ ông sẽ có thêm một chức danh tỷ phú sau khi mọi thủ tục của thương vụ bạc tỉ (chính xác là 2,8 tỉ đô la) với Estée Lauder vừa được hoàn tất. Đây cũng là thương vụ lớn nhất của tập đoàn này sau những chiến lược mở rộng thị trường quốc tế hậu đại dịch.
Theo ước tính của Forbes, với 64% cổ phần, NTK 61 tuổi nhận khoảng 1,1 tỉ USD tiền mặt từ thương vụ bán công ty này, sau khi trừ các khoản thuế. Ông cũng có ít nhất hai ngôi nhà, bao gồm một ngôi nhà ở Holmby Hills tại Los Angeles và ngôi nhà còn lại ở Upper East Side của New York, tổng cộng trị giá 65 triệu USD. Hiện tại tổng tài sản của Tom Ford ước tính trị giá khoảng 1,2 tỉ USD.
Không còn là nhà thiết kế, Tom Ford sẽ sản xuất phim
Bộ sưu tập Thu - Đông 2023 “Tom Ford Archive” chính là lời chào từ biệt đầy cảm xúc của Tom Ford, khi dàn siêu mẫu thập niên 1990 diện những thiết kế được ông yêu thích trong suốt hơn một thập kỷ qua. Hình ảnh và video được thực hiện bởi Steven Klein với sự diễn xuất của các nàng thơ Amber Valletta, Joan Smalls, Karlie Kloss, Karen Elson và Caroline Trentini.
Các thiết kế được chọn lọc trong kho lưu trữ những tác phẩm mà Tom Ford tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình. Trong một đoạn video, vị giám đốc sáng tạo 61 tuổi đã ngắm nhìn những thiết kế của ông qua dãy ô kính trưng bày, trong khi một vài người mẫu đã thực sự bật khóc.
Sự ra đi (rời khỏi làng mốt) tuy không bất ngờ của Tom Ford, vẫn khiến giới thời trang không khỏi tiếc nuối. Tên tuổi của nhà thiết kế bắt đầu vươn ra toàn cầu khi ông gia nhập Gucci vào năm 1990, và ông chuyển đến Milan để thiết kế trang phục nữ. Ông nhanh chóng thăng tiến, trở thành giám đốc thiết kế vào năm 1992 và giám đốc sáng tạo của thương hiệu vào năm 1994. Chính tại Gucci, ông gặp đối tác kinh doanh Domenico De Sole, sau đó trở thành CEO của công ty. Năm 1995, bộ đôi này cùng nhau niêm yết Gucci trên sàn chứng khoán Amsterdam và New York.
Trong thời gian ngắn, Tom Ford đã tạo được "ma lực" Gucci, cứu Gucci khỏi nguy cơ phá sản. Bộ sưu tập gây tiếng vang vào năm 1995 gồm những bộ đồ nhung và sơ mi satin giúp doanh số bán hàng tại Gucci đã tăng 90%. Từ năm 1994 đến năm 2003, doanh số của Gucci tăng gần 1.200% đạt 3 tỉ USD. Tom Ford và De Sole cũng giám sát việc mua lại các thương hiệu cao cấp khác bao gồm Balenciaga và Bottega Veneta. Khi Gucci tiếp tục mở rộng và mua lại Yves Saint Laurent vào năm 2000, ông trở thành giám đốc sáng tạo của cả tập đoàn. Tom Ford rời khỏi Gucci để phát triển thương hiệu mang tên mình ngay sau khi tỉ phú thời trang François Pinault chính thức tiếp quản vào năm 2004.
Năm ngoái, trong một bài phỏng vấn khi bước sang tuổi 60, Tom Ford từng nói: "Bốn mươi tuổi, tôi đã rất thành công và có nhiều tiền và nhà cửa. Tôi đã đạt được tất cả những điều mà tôi nghĩ rằng tôi luôn muốn và sau đó tôi nghĩ, được rồi, chỉ có thế này thôi sao? Và với những chương cuộc đời đã qua, tôi nhận ra, Tôi có lẽ đang dần đi đến hồi kết câu chuyện của mình. Tôi nhìn lại và nghĩ: Tôi muốn tiếp tục làm gì?"
Sau những đoán định về bước đi tiếp theo của Ford, một thông cáo gần đây cho biết ông sẽ hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực phim ảnh, với công ty sản xuất của chính mình mang tên Fade to Black. Cùng công ty này, Tom Ford đã sản xuất và đạo diễn nhiều bộ phim thành công về mặt doanh thu và nghệ thuật như “A Single Man” (2009) được đề cử giải Oscar. Bộ phim thứ hai “Norturnal Animals” (2016) ra mắt lần đầu tại LHP Venice, lập tức chiến thắng giải Sư tử bạc. Phim được 3 đề cử Quả cầu vàng năm 2017, trong đó có hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản xuất sắc nhất dành cho ông.
Sự hợp tác ăn ý lâu năm giúp tất cả cùng hưởng lợi
“Tôi cảm thấy rất vui khi Estée Lauder Companies mua lại vì đó là ngôi nhà lý tưởng cho thương hiệu,” Tom Ford cho biết trong thông báo. “Họ là đối tác tuyệt vời ngay từ ngày đầu tiên tôi thành lập công ty và tôi thật hồi hộp khi chứng kiến họ trở thành nhà quản lý xa xỉ trong chương tiếp theo của thương hiệu Tom Ford”.
Trong làng mỹ phẩm, Tom Ford nổi tiếng với những thỏi son mang màu sắc đậm táo bạo và những chai nước hoa mang mùi hương độc đáo quyến rũ. Từ khi hợp tác cùng Tom Ford để ra mắt dòng Tom Ford Beauty năm 2006, Estée Lauder cho biết đây là một trong những thương hiệu có sức phát triển vượt bậc nhất trong hồ sơ của mình. Kết quả tài chính năm 2021 cho thấy thương hiệu mỹ phẩm và nước hoa Tom Ford tăng trưởng 25% so với năm trước. Gộp cả mảng thời trang, lợi nhuận của Tom Ford đạt 96 triệu USD trên doanh số 1,7 tỉ USD.
Người hâm mộ sự cuốn hút từ Tom Ford hy vọng Estée Lauder vẫn duy trì được sức hút này từ thương hiệu. Có nhiều căn cứ để tin vào đế chế mỹ phẩm này hoàn toàn có thể vận hành mảng thời trang cao cấp một cách thuần thục bởi tầm nhìn dài hạn. Trước đây, khi Estée Lauder mua lại thương hiệu Mugler từ Clarins, tập đoàn đã hồi sinh phân nhánh thời trang, bổ nhiệm tân giám đốc sáng tạo Casey Cadwallader, người thổi một sức sống mới vào thương hiệu.
Tập đoàn thời trang xa xỉ Zegna trước đó đã nắm giữ 15% cổ phần Tom Ford International và là nhà sản xuất dòng thời trang xa xỉ nam cho Tom Ford hiện vẫn tiếp tục đảm nhận mảng thời trang nam và nữ sau khi giành được thoả thuận sử dụng thương hiệu kéo dài trong 30 năm với giá 150 triệu Euro. Theo Gildo Zegna, tổng giám đốc của tập đoàn thời trang có trụ sở tại Milan này, việc tiếp quản hạng mục thời trang của Tom Ford có những “triển vọng nhằm giúp việc kinh doanh của Zegna vươn ra toàn cầu”.
Zegna mới đây cũng đưa ra thông báo sẽ công bố gương mặt đảm nhận vị trí điều hành phân khúc thời trang của Tom Ford vào mùa hè năm nay. Theo đó, Peter Hawkings, đồng sự lâu năm của Tom Ford từ những ngày còn ở Gucci sẽ thay Ford đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo. Hawkings bắt đầu sự nghiệp vào năm 1998 với tư cách trợ lý thiết kế cho Tom Ford ở Gucci. Tom Ford nhận xét: "Với Peter Hawkings, thương hiệu của tôi đã tìm được một giám đốc sáng tạo hoàn hảo". Và với tầm nhìn dài hạn thương hiệu Tom Ford sẽ vẫn tiếp tục thu hút các tín đồ thời trang cả nam và nữ.