Bên cạnh làn sóng sử dụng AI tạo hình ảnh với Mid Journey hay viết code, văn bản bằng ChatGPT, một số giải pháp trí tuệ nhân tạo ở lĩnh vực khác cũng được thử nghiệm tại Việt Nam. Trong đó, công cụ AI để chẩn đoán bệnh ở lĩnh vực y tế vừa được cung cấp đến người dùng trong nước.
Theo Venture Beat, trí thông minh nhân tạo có thể được áp dụng trong công tác quản lý, đào tạo, chẩn đoán, chăm sóc bệnh nhân trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, các giới hạn về công nghệ, chi phí khiến những công cụ này ít được tiếp cận bởi người dùng Việt Nam.
Gần đây, một số cơ sở y tế công và bệnh viện tư tại TP.HCM bắt đầu thử nghiệm giải pháp chẩn đoán bằng AI, cung cấp bởi Annalise.ai. Đây là công nghệ được áp dụng phổ biến tại Australia, phát triển bởi đội ngũ gốc Việt.
Trả lời Zing, ông Đặng Trần Minh Trí (Dimitry Tran), một trong 2 nhà sáng lập của dự án cho biết giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ công ty hiện có thể được áp dụng khi X-quang lồng ngực và CT não. Về mặt kỹ thuật, nhà phát triển sử dụng ảnh chụp chiếu của bệnh nhân để training (dạy) cho Máy học (machine learning) về các dấu hiệu bất thường. Các siêu máy tính thực hiện công việc này trong thời gian dài.
Hiện tại, dữ liệu của AI được tích hợp dưới dạng phần mềm, có thể khởi chạy, chẩn đoán bệnh trên những thiết bị có cấu hình thấp. Ngoài ra, một hệ thống offline (không yêu cầu Internet) cũng được tạo ra để hỗ trợ thăm khám tại những khu vực xa xôi, đường truyền kém. Giải pháp này lần đầu được áp dụng tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Tuy nhiên, công nghệ hiện tại của Annalise.ai chủ yếu tập trung ở X-quang lồng ngực và CT não. Ngoài ra, AI vẫn chỉ được áp dụng để hỗ trợ bác sĩ, giảm thời gian thăm khám, không thể hoạt động độc lập. Theo ông Minh Trí, mức giá cho mỗi lần chẩn đoán là khoảng 1-2 USD, chưa tính chi phí của bác sĩ, bệnh viện vận hành.
Ưu thế của giải pháp này nằm ở việc giảm tác vụ bác sĩ cần làm để kiểm tra một bức ảnh chụp chiếu của bệnh nhân. AI hỗ trợ tốt trong các trường hợp không phát hiện vấn đề, rút ngắn thời gian chờ đợi, thăm khám.
Ngoài ra, các chuyên gia trong nước cũng đang phát triển giải pháp sử dụng AI để khám chữa bệnh. Cuối 2022, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN và các cộng sự đã giới thiệu công nghệ nhận diện vùng bệnh Viêm quanh cuống từ ảnh X-quang. Giải pháp nói trên hỗ trợ chẩn đoán bệnh liên quan đến răng hàm mặt với độ chính xác cao.