Bộ Công Thương vừa công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định như: Thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu các đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký… Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
Sau nhiều lần giảm giá, giá xăng dầu trong nước hiện đang ở mức 23-24.000 đồng mỗi lít. Ông đánh giá ra sao về việc điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua?
Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước tăng khá mạnh theo giá tăng của thị trường thế giới, tuy nhiên tôi đánh giá việc điều hành giá xăng dầu của Chính phủ cũng như liên Bộ Tài chính - Công Thương thời gian qua khá hiệu quả và nhịp nhàng. Từ đó giúp giá xăng dầu được điều chỉnh khá tốt, tạo dư địa cho sản xuất kinh doanh trong nước phát triển và hồi phục kinh tế.
Tôi cũng ủng hộ quan điểm khi cho rằng không trợ giá để giảm giá mặt hàng xăng dầu xuống thấp, vì nếu trợ giá để đưa giá xăng dầu thấp hơn so với giá nhập khẩu vào, nhà nước phải bù lỗ thì sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy như buôn lậu qua biên giới hoặc khiến cho nhiều mặt hàng hóa sản xuất trong nước sẽ hạ giá so với giá trị thực.
Trong khi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đa số là xuất khẩu, lúc đó chúng ta sẽ xuất khẩu sang những quốc gia giàu có hơn với giá cả thấp thì nến kinh tế sẽ không có lợi.
Chưa kể, nếu giá xăng được trợ giá xuống thấp, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài dễ bị kiện chống bán phá giá, thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bộ Công Thương vừa công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định. Ông đánh giá như thế nào về hành động này của Bộ Công Thương?
Tôi đánh giá rất cao việc Bộ Công Thương công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định. Điều đó cho thấy, sự minh bạch của Bộ Công Thương trong hoạt động kinh doanh xăng dầu , qua đó không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu trong nước kinh doanh một cách nghiêm túc mà còn giúp cho thị trường xăng dầu ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Theo đó, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị “loại” khỏi thị trường, còn doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ tiếp tục được hoạt động.
Hành động này của Bộ Công Thương cũng cho thấy, Bộ không có sự phân biệt khác nhau giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ngay cả những doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, nếu không đáp ứng đủ điều kiện cũng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.
Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, theo ông tới đây Bộ Công Thương nên có những giải pháp gì?
Theo tôi, xăng dầu là một loại hàng hóa có quy mô và mức độ ảnh hưởng rộng tới hầu hết các loại hàng hóa và đời sống người dân, nên kiểm soát chặt chẽ thị trường này cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
Theo đó, để quản lý chặt thị trường xăng dầu, bên cạnh thường xuyên lập các đoàn kiểm tra đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại 3 miền như Bộ Công Thương đã làm thời gian qua, Bộ Công Thương cũng cần số hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ví dụ, có thể yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu công khai, minh bạch số lượng hàng nhập về, hàng bán ra trên hệ thống điện tử, để tất cả mọi người có thể kiểm tra được một cách dễ dàng, minh bạch, tránh trường hợp cứ sắp đến thời điểm tăng giá xăng thì doanh nghiệp lại thông báo hết xăng và đóng cửa hàng như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép gồm:
1. Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26.7.2022);
2. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18.7.2022);
3. Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13.7.2022);
4. Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28.7.2022);
5. Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19.7.2022);
6. Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7.7.2022);
7. Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12.7.2022).