Ngày 16/6/2022, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 63/2022/QH1, trong đó chính thức cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Cùng đó giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Như vậy, Chính phủ có chưa đầy một năm để tập dượt cũng như hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Covid-19 xáo trộn lộ trình
Tại Đối thoại chuyên đề: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng kể từ khi ra được ban hành cho đến nay, Nghị quyết 42 có ý nghĩa hết sức to lớn trong quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, ý thức trả nợ của khách hàng đã được nâng lên một cách rõ rệt. Đồng thời, thông qua Nghị quyết 42, các cấp chính quyền địa phương vào cuộc rất quyết liệt, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý được nợ xấu.
Theo ông Hùng, nếu không bị dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, chắc chắn Nghị quyết 42 đã hoàn thành sứ mệnh. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thời gian lên kế hoạch chi tiết để sửa Luật các tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó bao gồm việc sửa đổi để hài hoà với quá trình chuyển đổi số mạnh như hiện nay và luật hoá các nội dung liên quan đến Nghị quyết 42.
Thế nhưng, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 thì có tới hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặc dù có thể nói dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng hậu quả thì vẫn còn rất nặng nề. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước ước tính, tổng nợ xấu nội bảng, ngoại bảng và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng đang ở mức 6,3%.
Thậm chí, vị Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận, con số 6,3% của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là thực sự lý tưởng trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng như hiện nay. Bởi lẽ, doanh nghiệp đang cần tiếp sức, cần “vốn mồi” để khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn và dần suy yếu, kéo theo việc mất khả năng chi trả nợ.
Chính dịch Covid-19 ảnh hưởng như vậy, ông Hùng cho rằng, lộ trình đề ra của Ngân hàng Nhà nước đã bị xáo trộn. Theo đó, Chính phủ phải xin kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
Làm gì để đảm bảo tiến bộ?
Theo ông Hùng, muốn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu thì có hai hướng: (i) ban hành luật xử lý nợ xấu; (ii) sửa đổi luật tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, không hướng nào có thể dễ dàng thực hiện trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm mà vẫn đảm bảo quy định đầy đủ, chặt chẽ.
“Nếu chỉ thêm một chương nào đấy vào Luật các tổ chức tín dụng về vấn đề nợ xấu thì chưa chắc đã đầy đủ. Trái lại, nếu ban hành một bộ luật đầy đủ về xử lý nợ xấu trong vòng chưa đầy một năm thì rất khó thực hiện”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.
Mặc dù không dễ dàng, nhưng nếu quyết tâm ngành ngân hàng vẫn có thể đảm bảo tiến độ mà Quốc hội đề ra. Trước mắt, ngành ngân hàng phải khẩn trương rà soát, đánh giá thêm những khó khăn mà Nghị quyết 42 đang tồn tại. Sau đó, xem vướng mắt ở đâu, khó ở luật nào để điều chỉnh. Riêng những quy định pháp luật mà tự ngành ngân hàng có thể sửa đổi bổ sung thì nhanh chóng dự thảo lấy ý kiến để cho vào Luật các tổ chức tín dụng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho hay khó khăn của Nghị quyết 42 đã được Ngân hàng Nhà nước tổng kết trong báo cáo gửi Quốc hội. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang tổng hợp thêm ý kiến từ các chuyên gia và các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Nghị quyết 42 liên quan đến rất nhiều luật như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tố tụng dân sự… Thế nhưng trong năm 2023, Quốc hội mới chỉ dự kiến sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.
“Nếu được sự đồng tình đưa Nghị quyết 42 vào các luật dự kiến sửa đổi trong năm 2023 là rất tốt. Tuy nhiên, còn một số luật khác chưa có trong chương trình Quốc hội tới thì Ngân hàng Nhà nước đã dự kiến một điều khoản để áp dụng. Cụ thể, trong trường hợp có sự khác nhau giữa luật tổ chức tín dụng về xử lý tài sản bảo đảm và cái xử lý tài sản bảo đảm thì sẽ ưu tiên áp dụng luật các tổ chức tín dụng”, bà Lan chia sẻ.
Bà Lan cũng cho biết thêm, cũng do liên quan đến rất nhiều luật khác nên theo nguyên tắc của quá trình ban hành văn bản, Ngân hàng Nhà nước phải lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan.
“Bởi vì thời gian rất gấp, tức trong tháng 5/2023 đã phải trình Quốc hội dự thảo xin ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 nên Ngân hàng Nhà nước rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng luật”, bà Lan nói.