Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) vừa đưa ra báo cáo nhận định về việc Ngân hàng nhà nước cắt giảm các lãi suất chính sách.
Bộ phận nghiên cứu của UOB cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất tái cấp vốn 50 điểm (0,5%) xuống 5,5% hiệu lực từ thứ hai (3/4) - đợt cắt giảm lãi suất chính sách gần đây nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - là động thái của NHNN không gây bất ngờ do những thông báo đã đưa ra trước đó cũng như kết quả tăng trưởng GDP Quý 1 thấp hơn dự kiến đã được công bố một ngày trước.
Khả năng giảm tiếp lãi suất
Nhóm nghiên cứu tiếp tục cho rằng NHNN có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong Quý 2 năm 2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm nữa trước thời điểm cuối quý 2. Ngoài ra, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.
Động lực dẫn tới quyết định giảm lãi suất của NHNN, theo nhóm nghiên cứu, là do tốc độ tăng trưởng GDP trong Quý 1 năm 2023 của Việt Nam bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong Quý 4 năm 2022, được công bố vào chỉ một ngày trước đó. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ và Châu Âu (sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và việc UBS mua lại Credit Suisse) đã giảm bớt và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất (vui lòng xem báo cáo “FOMC tháng 3 năm 2023 của Hoa Kỳ: Tăng 25 điểm cơ bản nhưng chưa đạt mức cao nhất”, ngày 23 tháng 3 năm 2023).
Mặc dù NHNN thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. NHNN có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của NHNN rõ ràng sẽ là xu hướng tập trung quản lý lạm phát trong nước.
Lạm phát đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,18% so với cùng kỳ trong Quý 1 năm 2023 và thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,5%, lạm phát cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả lương thực, năng lượng và các dịch vụ công khác) trong Quý 1 năm 2023 đã tăng lên mức 5,01% từ 4,76% trong Quý 4 năm 2222 và 3,17% trong Quý 3 năm 2022. Xu hướng này có thể khiến ngân hàng trung ương có thể có lo ngại khi lạm phát cơ bản trong tháng 3 tăng 4,88% so với cùng kỳ, là tháng thứ 6 liên tiếp lạm phát dao động trên mức 4,5%.
Bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 100 điểm cơ bản sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài một năm của Fed Hoa Kỳ đến nhu cầu trên toàn cầu.
Tỷ giá có thể lên 24.200 đồng trước khi giảm vào quý 3
Về ngoại hối, VND nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng VND giao dịch trong biên độ hẹp 0,8% quanh mức 23.600/USD.
Bất chấp việc NHNN bất ngờ cắt giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái chiết khấu vào ngày 16 tháng 3, sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong những tháng tới, kết hợp với lạm phát giảm, có thể sẽ giữ ổn định cho đồng VND.
Tuy nhiên Nhóm Nghiên cứu của UOB vẫn kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ nối gót các cặp tỷ giá ngoại hối USD/Châu Á khác tiến tới các mốc cao hơn là 24.200 trong Quý 2 năm 2023 trước khi giảm xuống 24.000 trong Quý 3 năm 2023, xuống tiếp 23.800 đồng vào quý 4 và về 23.600 đồng vào quý 1/2024.