Chỉ số USD đã tăng mạnh trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 23/12 (giờ Việt Nam), chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác trên thế giới có lúc tăng 1 điểm, rồi giảm nhẹ về 104,18 điểm.
Tỷ giá EUR/USD do đó cũng giảm từ 1,066 USD đổi 1 euro về 1,058 USD đổi 1 euro. Bảng Anh rơi xuống dưới ngưỡng 1.200 USD đổi 1 bảng Anh.
USD mạnh lên do những thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 22/12, GDP của Mỹ trong quý III (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều mức 2,9% theo ước tính trước đó.
Tiêu dùng cá nhân tăng 2,3%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với ước tính trước đó, nhờ chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ mạnh mẽ.
Kinh tế Mỹ chống chịu tốt
Các dữ liệu cho thấy dù lãi suất và lạm phát tăng nhanh, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn vững chắc. Thị trường lao động mạnh mẽ và tăng trưởng tiền lương giúp thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.
"GDP của Mỹ trong quý III đã tăng trưởng mạnh một cách đáng ngạc nhiên", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận xét với Zing.
Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là những động thái tiếp theo của Fed
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Với vị thế quan trọng trên thế giới, đồng USD thường tăng giá trong thời kỳ hỗn loạn. Một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư cho rằng đồng bạc xanh tương đối an toàn và ổn định. Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ đang cho thấy khả năng chống chịu tốt bất chấp lạm phát ở vùng cao nhất trong vòng 40 năm và các đợt tăng lãi suất liên tục.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy USD được cho là nằm ở động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế và việc làm để kìm hãm lạm phát.
Do đó, cơ quan này sẽ phải tiếp tục hành động một khi nền kinh tế hàng đầu thế giới, thị trường việc làm và sức mạnh chi tiêu vẫn tốt.
"Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là những động thái tiếp theo của Fed. Lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nói với Zing.
Diễn biến lãi suất năm 2023
Còn theo ông Moya, báo cáo GDP mới nhất của Mỹ sẽ tác động tới động thái của Fed trong năm sau. "Thị trường đang được định giá theo kịch bản một đợt tăng lãi suất nữa vào cuộc họp chính sách của Fed trong tháng 2. Nhưng nếu các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, Phố Wall sẽ buộc phải nghĩ lại", ông Moya nhận xét.
Ông cho rằng các nhà đầu tư có thể đặt cược vào kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3. "Một đợt nâng lãi suất điều hành nữa vào tháng 3 sẽ được định giá", vị chuyên gia cảnh báo.
Vào cuộc họp chính sách tháng 12, Fed quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Nhưng trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, chủ tịch Fed nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh rằng cần tiếp tục đối phó với lạm phát. Chỉ có như vậy, xu hướng tăng của giá cả mới chấm dứt.
Dù đã bật tăng phần nào, chỉ số USD vẫn đang ở vùng thấp nhất 6 tháng. Cuối tháng 9, chỉ số này có lúc vọt lên hơn 114 điểm. Đồng euro có giai đoạn rẻ hơn USD. Tuy nhiên, việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất đã chặn đứng đà tăng trưởng phi mã của đồng bạc xanh.