USD đã giảm mạnh từ mức cao nhất hơn 2 tháng. Theo dữ liệu của Trading Economics, USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác trên thế giới - rơi một mạch từ 104,5 điểm xuống 103,98 điểm trong vỏn vẹn 4 tiếng.
Đồng bạc xanh bị bán tháo ngay sau khi đạt mức cao nhất kể từ hồi giữa tháng 3. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng lao dốc vào đầu phiên giao dịch ngày 30/5 (giờ Mỹ).
Các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn trước cuộc bỏ phiếu đối với trần nợ công tại Quốc hội Mỹ. Ngày 30/5 sẽ đánh dấu thử thách đầu tiên của thỏa thuận này, khi Ủy ban các quy định Hạ viện thảo luận về dự luật.
Thách thức đầu tiên của thỏa thuận trần nợ
Hôm qua, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đã cho biết sẽ không đồng ý với thỏa thuận này. Như vậy, thỏa thuận vẫn đứng trước rủi ro không được Quốc hội thông qua.
Theo thỏa thuận sơ bộ, Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đồng ý tạm thời đình chỉ mức trần nợ công 31.400 tỷ USD đến ngày 1/1/2025, để chính phủ có thể vay tiền thanh toán chi phí.
Đổi lại, chi tiêu chính phủ (ngoại trừ quốc phòng) trong năm tài chính 2024 sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại và tăng tối đa 1% trong năm 2025.
Lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm 10 điểm cơ bản xuống 3,719%. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc 2 năm thấp hơn 7 điểm cơ bản, còn 4,514%. Lãi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều nhau.
Ở chiều ngược lại, giá vàng thế giới đã tăng vọt vào đầu phiên 30/5 trên sàn New York. Cụ thể, giá của mỗi ounce vàng tăng 18,4 USD lên 1.961,4 USD.
Những bấp bênh xoay quanh thỏa thuận về trần nợ công tại Mỹ đã tiếp nhiệt lượng cho đà tăng của giá vàng. Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, kim loại quý là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong kịch bản Mỹ vỡ nợ.
Giá vàng hưởng lợi
Thêm vào đó, giới quan sát cho rằng thỏa thuận về trần nợ sẽ vẫn làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong những quý vừa qua, chi tiêu liên bang đã thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Nhưng động lực này có thể sớm bị triệt tiêu sau thỏa thuận mới, từ đó giáng đòn lên tăng trưởng kinh tế vốn đang bị bóp nghẹt bởi các chính sách tiền tệ thắt chặt.
Với vai trò trú ẩn an toàn, vàng hưởng lợi trực tiếp khi hệ thống tài chính và nền kinh tế suy yếu.
Dĩ nhiên, thị trường vàng vẫn đang đứng trước nhiều lực cản. Trong khi đó, tuy đã điều chỉnh giảm, USD Index chưa rời xa mốc 104 điểm. Bởi các thị trường hiện nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 6.
Điều này sẽ thúc đẩy đồng bạc xanh. Ở chiều ngược lại, lãi suất tăng cao có thể tạo sức ép lớn lên thị trường vàng. Bởi chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thường tăng lên theo lãi suất.
Theo công cụ FedWatch ngày 30/5, các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 61,9%. Trong khi đó, khả năng giữ nguyên lãi suất chỉ 38,1%.
Phố Wall cũng kém lạc quan hơn về kịch bản Fed cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay. Đa số (35,3%) vẫn tin rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành ở vùng hiện tại là 5-5,25%. 25,4% dự đoán đến cuối năm, lãi suất điều hành do Fed ấn định thậm chí còn cao hơn mức hiện tại.
Thị trường định giá khả năng Fed cắt giảm 0,25 điểm phần trăm so với mức hiện tại là 28%, khả năng cắt giảm 0,5 điểm phần trăm là 10,1%.