Trong tháng 10, tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh, có thời điểm tiệm cận gần 24.600, tăng gần 300 điểm so với thời điểm cuối tháng 9 và tăng 4,1% so với đầu năm. Đến thời điểm cuối tháng 10, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt.
Trên thị trường thế giới, USD tăng mạnh trong tháng 10 do những lo ngại về việc neo giữ lãi suất ở mức cao của Fed, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến và những diễn biến đáng lo ngại xung quanh cuộc chiến tại Trung Đông. Trong nước, mặc dù Ngân hàng nhà nước hút lượng tiền dư thừa trên hệ thống thông qua việc phát hành tín phiếu nhưng lãi suất VND vẫn neo ở mức thấp và lãi suất swap (chi phí vốn của các ngân hàng thương mại trong việc nắm giữ USD) vẫn âm sâu là yếu tố khiến tỷ giá vẫn giữ đà tăng trong tháng 10.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 11 công bố vào tối 20/11 cho thấy các thành viên của Fed không sẵn sàng tuyên bố đã hoàn tất quá trình tăng lãi suất của mình. FED đã nghiêng về lựa chọn an toàn hơn là giữ lãi suất ổn định ít nhất là trong thời gian còn lại của năm 2023 với kỳ vọng các dữ liệu kinh tế Mỹ sắp tới sẽ giúp làm rõ mức độ chậm lại của lạm phát trong bối cảnh lãi suất chính sách đang ở mức cao nhất trong 22 năm. Chuyển biến lớn trong cuộc họp tháng 11 là nhiều thành viên Fed đã nhìn thấy rủi ro của việc tăng lãi suất quá nhiều với tăng trưởng thấp hơn dự kiến, vì vậy, không có bất kỳ sự ủng hộ nào cho một đợt tăng lãi suất trong cuộc họp cuối năm vào ngày 13/12 sắp tới.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã tăng chạm mức 5% vào tháng 10 và hiện đã giảm về mức 4,4% sau khi có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động và lạm phát đang hạ nhiệt. Chỉ số USD Index phục hồi gần 0,2% vào tối 20/11 sau khi thị trường nhận thấy ý định duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn và không có ý định cắt giảm lãi suất trở lại trong năm 2024 từ Fed. Mặc dù vậy, thị trường vẫn kỳ vọng (khoảng 60% khả năng) FED sẽ cắt giảm lãi suất -0,25% vào tháng 5/2024.
Dẫu vậy, chỉ số USD Index cũng đã suy yếu đáng kể, giảm hơn 2% kể từ tháng 7/2023 khiến áp lực tỷ giá USD/VND vơi bớt.
Trong nước, các yếu tố vĩ mô tích cực dự kiến tiếp tục hỗ trợ cho đồng VND như: dòng vốn giải ngân FDI duy trì tích cực, thặng dư thương mại 10 tháng gần 25 tỷ USD, kiều hối dự kiến về Việt Nam trong năm 2023 đạt 14 tỷ USD…
Trong 10 tháng năm 2023, VND đã mất giá 3,9% so với USD. Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, mức mất giá của đồng VND vẫn thấp hơn và vẫn được xem là một đồng tiền khá ổn định.
Theo số liệu công bố ngày 20/11 của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 11/2023 (1/11-15/11) của Việt Nam ước đạt 29,42 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,65 tỷ USD, tăng 6,4%; nhập khẩu đạt 14,77 tỷ USD, giảm 1,5%. Với kết quả này, cán cân thương mại cả nước ghi nhận mức nhập siêu 120 triệu USD trong nửa đầu tháng 11. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao có thể kể đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD, tăng tới 44%; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,83 tỷ USD, tăng 2,3%, hàng thủy sản đạt 383 triệu USD, gạo 219 triệu USD; hàng rau quả 187 triệu USD.
Trong 2 tuần đầu tháng 11, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng giảm 105 đồng. Tỷ giá trên thị trường tự do gần như đi ngang quanh mức 24.500 VND/USD mua vào và 24.600 VND/USD bán ra.
Việc Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu từ ngày 9/11 có thể là động thái cho thấy rủi ro tỷ giá đã được kiểm soát. Theo đó, lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tính đến ngày 9/11 là 174.65 nghìn tỷ đồng. Ước tính, lượng tiền này sẽ quay trở lại toàn bộ thị trường vào đầu tháng 12.