Đồng bạc xanh ban đầu tăng ngay sau khi dữ liệu được công bố, nhưng quay đầu giảm sau đó, khi những người tham gia thị trường xem xét báo cáo việc làm, lưu ý rằng không phải tất cả các dữ liệu đều tích cực và ủng hộ quan điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy số lượng việc làm của Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 261.000 trong tháng 10. Dữ liệu của tháng 9 cũng được sửa đổi tăng lên mức 315.000 việc làm, thay vì 263.000 như báo cáo trước đó. Các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters đã dự báo tháng 10 Mỹ tạo ra 200.000 việc làm, với ước tính dao động từ 120.000 đến 300.000.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,7% từ mức 3,5% của tháng 9. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,4% trong tháng 10 sau khi tăng 0,3% trong tháng 9, nhưng mức tăng lương chậm lại còn 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10, sau khi tăng 5,0% vào tháng 9.
Các quỹ liên bang hôm 4/11 dự kiến có 42,5% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng tới, và 47,5% khả năng tăng 50 điểm cơ bản. Tỷ lệ dự báo tăng 75 điểm cơ bản có lúc lên tới 64%, ngay sau khi dữ liệu việc làm được công bố.
Dự báo về lãi suất cuối cùng của Fed, mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ hiện tại, đã được hạ xuống 5,09% vào cuối ngày 4/11, từ mức khoảng 5,2% ngay trước khi có các dữ liệu trên.
Thomas Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ của Jefferies, ở New York, cho biết: "Mặc dù báo cáo hôm nay là một tổng thể khá phức tạp, chúng tôi không dự kiến Fed có thể xem xét dữ liệu này như thế nào và nghĩ rằng họ đang đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc kiểm soát lạm phát".
"Tăng trưởng việc làm đang chậm lại và tăng trưởng tiền lương đang giảm tốc, nhưng không cái gì chậm lại đủ nhanh (để Fed xoay trục). Dữ liệu hôm nay cho thấy khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản một lần nữa là chắc chắn cho cuộc họp tháng 12 của FOMC (Ủy ban Thị trường mở của Fed), mặc dù rõ ràng là chúng ta còn có một số dữ liệu quan trọng khác sẽ công bố bây giờ và sau đó", ông Simons nói.
Bất chấp dữ liệu việc làm mạnh mẽ, các quan chức Fed hôm thứ Sáu cho biết một mức tăng lãi suất nhỏ hơn vẫn được đưa ra bàn cho cuộc họp chính sách tháng 12.
Các con số việc làm cho thấy "thị trường lao động vẫn còn thắt chặt", Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin nói với đài truyền hình CNBC ngay sau khi công bố dữ liệu, thêm rằng ông sẵn sàng hành động "có chủ ý" hơn về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai ngay cả khi ông tiếp tục cởi mở về kết quả của cuộc họp chính sách tiếp theo, vào tháng 12.
Chỉ số Dollar index (DXY), thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính, giảm 1,9% xuống 110,77 trong phiên thứ Sáu (4/11), mức giảm trong một ngày nhiều nhất kể từ tháng 11 năm 2015.
Trong đó, USD giảm 1,1% so với đồng yen xuống 146,65 JPY, tính chung cả tuần giảm tuần thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, đồng euro cũng tăng 2,2% so với USD, lên 0,9960 USD/EUR.
Trước đó, đồng tiền của Mỹ đã ổn định vào thứ Tư và thứ Năm (2 và 3/11) sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 2/11 cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát không giảm, khiến thị trường định giá USD tăng vọt.
Các nhà đầu cơ đã giảm đặt cược dài ròng vào đô la Mỹ xuống còn 3,08 tỷ đô la trong tuần kết thúc vào ngày 1/11, so với vị thế mua ròng là 10,21 tỷ đô la vào tuần trước, theo tính toán của Reuters và dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ được công bố vào thứ Sáu.
Đồng đô la Canada tăng mạnh nhất trong 12 năm so với đồng đô la Mỹ vào hôm thứ Sáu khi giá dầu tăng và dữ liệu việc làm trong nước củng cố đặt cược cho một đợt tăng lãi suất lớn hơn bình thường của Ngân hàng Trung ương Canada vào tháng tới.
Nền kinh tế Canada đã có thêm 108.300 việc làm trong tháng 10, vượt xa mức dự báo là 10.000 việc làm mới, với mức tăng đột biến hoàn toàn là do làm việc toàn thời gian.
Thị trường tiền tệ cho thấy 65% khả năng BoC sẽ tăng lãi suất chuẩn lên nửa điểm phần trăm vào lần công bố chính sách tiếp theo vào ngày 7 tháng 12, tăng từ khoảng 50% trước khi có dữ liệu.
CAD đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 23 tháng 9, ở mức 1.3470, tính chung cả tuần tăng 0,9%.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Tiền tệ châu Á đồng loạt giảm trong tuần qua do USD tăng sau đợt tăng lãi suất mạnh của Fed. Theo đó, Rupiah Indonesia giảm 1,1% trong tuần qua, mức giảm nhiều nhất kể từ ngày 21 tháng 10; đô la Singapore giảm 0,3%, trong khi peso của Philippines và đồng ringgit của Malaysia giảm 0,6% mỗi loại trong tuần.
Riêng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng trở lại đạt mức cao nhất trong một tuần so với đồng đô la vào thứ Sáu, do thị trường hy vọng các nhà chức trách có thể nới lỏng một số biện pháp nghiêm ngặt ngăn chặn COVID-19 mà nước này đang áp dụng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu ngày 4/11 là 7.2555 CNY/USD, yếu hơn 83 pips so với mức ấn định trước đó là 7.2472 và là mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 1 năm 2008.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa có lúc chạm mức cao nhất trong một tuần là 7,2340 CNY trước khi giảm một chút xuống 7,2511 CNY vào cuối ngày 4/11.
Vào thứ Sáu, tiền đồng của Việt Nam giảm 0,1% xuống mức thấp kỷ lục mới là 24.876 VND/USD, trong khi chỉ số chứng khoán VNI giảm 4,4%, đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong gần một tháng.
Cổ phiếu toàn cầu tăng trong phiên thứ Sáu sau những dữ liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ. Chỉ số MSCI của cổ phiếu toàn cầu, theo dõi chứng khoán ở 50 nền kinh tế, đã kết thúc 2 phiên giảm trước đó để tăng 1,72% trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán châu Âu tăng 1,81%, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Anh và Fed tăng lãi suất. Ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều tăng vào lúc đóng cửa, do các lĩnh vực công nghệ, tài chính, tiêu dùng, dịch vụ truyền thông và công nghiệp đều tăng. Với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,26% lên 32.403,22, S&P 500 tăng 1,36% lên 3.770,55 và Nasdaq Composite tăng 1,28% lên 10.475,25.
Đồng Bitcoin cũng tăng mạnh trong phiên vừa qua lên 21.166 USD, theo xu hướng của thị trường chứng khoán.
Giá vàng cũng tăng vọt sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ khiến nhà đầu tư kim loại quý hy vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng gần 3% lên 1.677,67 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng gần 2,2%, mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 7. Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ tăng 2,8% lên 1.676,6 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: "Độ trễ có thể thay đổi trong thời gian dài của việc thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ chọn tốc độ tăng chậm lại và sau đó quyết định thời điểm dừng lại".
Giá vàng tăng hơn mạnh sau dữ liệu việc làm của Fed.