Tỷ giá quy đổi USD/VNĐ trên kênh ngân hàng đã thiết lập mặt bằng mới. Ảnh: Hoàng Hà.
Trong phiên giao dịch đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD để làm tham chiếu cho các giao dịch USD bên ngoài thị trường. Cụ thể, nhà điều hành đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 2 đồng, hiện cố định ở mức 23.697 đồng/USD.
Dù là phiên tăng thứ hai liên tiếp trong tuần này, tỷ giá trung tâm kể trên hiện vẫn thấp hơn so với mức đỉnh ghi nhận vào giữa tuần trước ở 23.703 đồng/USD. Xét trên biểu đồ hàng ngày, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD đã ghi nhận xu hướng hạ nhiệt so với nửa cuối tháng 10.
Với biên độ +/-5% theo tỷ giá trung tâm, giá sàn/trần các ngân hàng được phép giao dịch với USD hôm nay là 22.512 - 24.882 đồng/USD.
Mặt bằng giá mới
Vietcombank sáng nay cũng niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 24.601 - 24.881 đồng/USD (mua vào - bán ra), xấp xỉ mức trần cho phép và tăng 2 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tương tự diễn biến của tỷ giá trung tâm, đây cũng là phiên tăng thứ hai liên tiếp của tỷ giá quy đổi tại Vietcombank, nhưng giá này vẫn thấp hơn so với giữa tuần trước.
Biểu đồ tỷ giá giao dịch hàng ngày tại Vietcombank cũng ghi nhận xu hướng hạ nhiệt của đồng USD từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn neo ở mức cao và chưa thể quay về vùng đầu tháng 10.
Tính trong một tháng gần nhất, giá bán USD tại nhà băng này đã tăng 871 đồng, tương đương hơn 3,6%. Nếu tính từ đầu năm nay, mức tăng đã là 1.961 đồng/USD (8,6%).
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá bán USD tại VietinBank và Agribank, tuy nhiên, hai nhà băng này hiện chỉ chấp nhận bán ra đồng bạc xanh ở mức kịch trần nhà điều hành cho phép 24.882 đồng/USD. So với phiên liền trước, giá bán kể trên đã tăng 2 đồng, nhưng nếu so với giữa tuần trước, mức giá này vẫn thấp hơn 6 đồng.
Ở chiều mua vào, hiện Agribank đưa ra mức giá 24.620 đồng/USD, trong khi VietinBank ra giá cao hơn ở 24.627 đồng/USD.
Hôm nay, BIDV là ngân hàng niêm yết giá mua - bán USD thấp nhất trong nhóm nhà băng quốc doanh với 24.600 đồng/USD (mua) và 24.880 đồng/USD (bán), chỉ tăng 1 đồng so với phiên liền trước. Tương tự các nhà băng khác, giá bán USD tại BIDV đã hạ nhiệt so với giữa tuần trước nhưng vẫn cao hơn 870 đồng (3,6%) so với đầu tháng 10 và 1920 đồng (8,4%) so với đầu năm.
Biểu đồ tỷ giá USD/VNĐ tại các nhà băng này cho thấy đồng bạc xanh đã ghi nhận mặt bằng giá mới sau giai đoạn tăng mạnh tháng 10.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, giá bán USD phiên đầu tháng hôm nay phổ biến ở mức trên 24.880 đồng/USD.
Trong đó, HDBank chấp nhận mua vào đồng bạc xanh ở mức 24.700 đồng/USD và bán ra ở 24.880 đồng/USD, tăng 1 đồng so với cuối ngày hôm qua. Đây cũng là giá giao dịch mà ACB và Eximbank cùng một loạt nhà băng khác đưa ra sáng nay.
Tương tự, giá giao dịch tại Techcombank hiện ở mức 24.732 - 24.879 đồng/USD, tăng 2 đồng; Sacombank và VPBank cùng niêm yết ở mức 24.700 - 24.881 đồng/USD, tăng 2 đồng; và SCB niêm yết ở 24.480 - 24.880 đồng/USD, tăng 10 đồng…
USD tự do tăng cao
Trên thị trường tự do, sau phiên giảm nhẹ hôm qua, giá mua - bán USD hôm nay đã tăng vọt trở lại. Hiện các đầu mối quy đổi ngoại tệ khu vực Hà Nội đã điều chỉnh giá giao dịch ngoại tệ này thêm xấp xỉ 150-170 đồng. Giá mua vào hiện dao động quanh mức 25.350 đồng/USD (+/-10 đồng tùy đầu mối), trong khi giá bán ra phổ biến ở mức 25.450 đồng/USD.
Diễn biến kể trên đã khiến chênh lệch giá mua - bán USD trên kênh ngân hàng và thị trường tự do nới rộng lên gần 570 đồng. Hiện tại, nếu người dân mua được USD từ ngân hàng rồi mang bán bên ngoài thị trường tự do cũng có lãi xấp xỉ 500 đồng/USD.
Giá bán đồng bạc xanh bên ngoài thị trường tự do đã vượt xa mốc 25.000 đồng/USD. Ảnh: Hoàng Hà.
Ghi nhận trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá thị trường ngoại hối trong nước đang có diễn biến trái ngược với thị trường quốc tế.
Tuần trước, chỉ số USD Index đã giảm 0,9% và các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá so với USD như bảng Anh tăng 1,87%; euro tăng 0,83%; yen Nhật tăng 0,1%...
Tương tự, các đồng tiền mới nổi trong khu vực Châu Á cũng có sự cải thiện như bath Thái tăng 1,32%; won Hàn Quốc tăng 1,29%; Ringgit Malaysia tăng 0,26%; hay Rupee Ấn Độ tăng 0,26%...
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, tỷ giá USD/VNĐ vẫn chưa có nhiều cải thiện ngay cả khi NHNN tăng lãi suất điều hành.
Theo đánh giá từ NHNN và các chuyên gia, diễn biến này chủ yếu do tác động tâm lý kỳ vọng và điều này khó có thể giải quyết ngay lập tức. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại hiện vẫn duy trì ở mức kịch trần biên độ mới (5%) so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.880 đồng/USD, tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái. Tỷ giá liên ngân hàng ghi nhận ở gần mức giá bán của NHNN 23.870 đồng/USD và tỷ giá trên thị trường tự do duy trì trên 25.000 đồng/USD.
Theo SSI, các yếu tố cơ bản trong nước vẫn ghi nhận tích cực với giải ngân FDI tăng trưởng tốt trong 10 tháng, cán cân thương mại thặng dư 9,4 tỷ USD. Về cung ứng ngoại tệ, NHNN cũng cam kết đảm bảo cung ứng trong nước nhằm ổn định sản xuất. Riêng 9 tháng đầu năm, đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn, Petrolimex… các ngân hàng đã cung cấp 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp này.