Đồng bạc xanh rơi tự do khi chỉ vừa phục hồi từ đáy 3 tháng. Ảnh: Reuters.
Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 1/12 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã rơi một mạch từ hơn 107 điểm xuống 105,88 điểm.
Trong tuần này, đồng bạc xanh đã phục hồi từ mức đáy 3 tháng (105,33 điểm) hôm 28/11 lên hơn 107 điểm vào ngày 30/11. Nhưng đồng USD nhanh chóng trượt dốc do bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Ông Powell xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Ông lưu ý rằng các động thái như tăng lãi suất và hạ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng.
Do đó, chủ tịch Fed khẳng định việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất là hợp lý.
Chỉ số USD đã rơi một mạch từ hơn 107 điểm xuống 105,88 điểm rồi phục hồi phần nào. Ảnh: Trading Economics.
Bài phát biểu của ông Powell
Theo dữ liệu của CME Group, thị trường định giá khoảng 65% khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed trong năm nay là nguyên nhân đẩy đồng USD tăng vọt. Điều này thúc đẩy giới đầu tư mua vào những tài sản của Mỹ vì lợi suất ngày càng hấp dẫn. Để thực hiện các giao dịch, họ buộc phải mua đồng bạc xanh.
Hồi tháng 9, chỉ số USD vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, khả năng Fed bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất đã tạo sức ép lên đồng USD.
Ngày 30/11, chủ tịch Fed đã có bài phát biểu được Phố Wall trông đợi. Ông xác nhận cơ quan này có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12. Ảnh: Reuters.
Hôm 25/11, biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - khiến chỉ số USD lao dốc một mạch xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8.
"Biên bản cuộc họp của FOMC chỉ ra hầu hết thành viên đều cho rằng nên sớm giảm tốc độ tăng lãi suất", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London) - trả lời Zing.
"Chúng ta đều hiểu rằng Fed muốn 'nhẹ chân ga' trước khi bước sang năm 2023. Điều này có thể giúp họ nhìn vào gương chiếu hậu để quan sát tình hình kinh tế", vị chuyên gia lập luận.
Các tài sản khác hưởng lợi
Ngay sau bài phát biểu của ông Powell hôm 30/11, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt tăng. Tính đến 15h15 (theo giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 458 điểm (1,35%) lên 34.310 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,2%, vượt ngưỡng 4.000 điểm, còn chỉ số Nasdaq thêm 363,38 điểm, tương đương 3,31%.
Các đồng tiền khác cũng hưởng lợi từ đà suy yếu của đồng USD. Euro đã tăng lên 1,0407 USD đổi 1 euro. Tỷ giá GBP/USD tăng 0,96%, đạt 1,20621 USD trên mỗi bảng Anh.
Đồng tiền của New Zealand và Australia tăng lần lượt 1,65% và 1,71% so với USD.
Các thị trường hàng hóa cũng hưởng lợi khi USD suy yếu. Giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng 2,49 USD/thùng, tương đương 3% so với một ngày trước đó, lên 85,52 USD/thùng.
Giá vàng tăng vọt nhờ sự suy yếu của đồng bạc xanh. Thị trường chứng khoán, dầu và tiền mã hóa cũng hưởng lợi. Ảnh: Kitco.com.
Còn dầu WTI chuẩn Mỹ ghi nhận mức tăng 2,434 USD/thùng, tương đương 3,11%, lên hơn 80 USD/thùng.
Trên sàn New York, giá kim loại quý cũng vọt tăng trong phiên giao dịch ngày 30/11. Giá của mỗi ounce vàng tăng 20,7 USD lên 1.770 USD.
Giá Bitcoin cũng nương theo đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tăng giá 3,53% chỉ sau vỏn vẹn một ngày lên hơn 17.000 USD/đồng.
Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - tăng vọt gần 6%. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa cũng tăng 3,03% lên 860 tỷ USD.