Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 (30/12), Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - giảm 0,3% xuống 103,522 với lượng thanh khoản thấp do kỳ nghỉ lễ. Xu hướng giảm giá của DXY kéo dài đã mấy tuần gần đây khi các nhà đầu tư tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể kết thúc.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2023, DXY tăng 8,22%, mức tăng mạnh nhất kể từ 2015, bị chi phối bởi những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed và lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh.
Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 4,25% kể từ tháng 3/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1980, đưa chi phí đi vay lên mức cao nhất trong 15 năm đồng thời cam kết rằng lãi suất sẽ cần phải tăng cao hơn nữa vào năm 2023 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát gia tăng.
Sức mạnh của đồng USD trải dài trên diện rộng, đặc biệt tăng rõ rệt nhất so với yen Nhật do chênh lệch lãi suất ngày càng lớn. DXY đạt mức cao nhất trong năm là 114,8 vào ngày 28 tháng 9, mức chưa từng thấy kể từ tháng 5 năm 2002, trước khi chạm đáy dưới 104 vào tháng 12 do lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ bị kéo vào suy thoái vào năm 2023 khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Adam Button, trưởng bộ phận phân tích tiền tệ của ForexLive, cho biết: "Tôi nghĩ mọi người đang rất băn khoăn với câu hỏi liệu vấn đề lớn vào năm 2023 sẽ là tăng trưởng yếu hay lạm phát dai dẳng". "Nếu tăng trưởng yếu, đồng đô la Mỹ sẽ giảm. Nếu lạm phát cao, thì đồng đô la Mỹ sẽ tăng giá."
Đồng euro đã tăng 0,34% trong phiên 30/12 lên 1,0697 USD/EUR, nhưng tính chung cả năm 2022 giảm 5,9% hàng năm so với đồng đô la, sau khi giảm 7% trong năm 2021. Sự kết hợp giữa tăng trưởng yếu của khu vực đồng euro, cuộc chiến ở Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed đã khiến đồng euro chịu áp lực giảm kéo dài cho đến nay.
"Lãi suất tăng kết hợp với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn đang giúp kéo dòng chảy vào khu vực đồng euro, nhưng bất kỳ điều gì trong số đó đều có rủi ro, đặc biệt nếu giá năng lượng tăng trở lại hoặc [Ngân hàng Trung ương châu Âu] bắt đầu giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ," Karl Schamotta, giám đốc chiến lược thị trường của Corpay cho biết.
Đồng bảng Anh trong phiên vừa qua tăng 0,09% lên 1,2063 USD, tính chung cả năm cũng giảm 10,8% so với USD.
Đồng đô la Úc, được coi là đại diện cho các tài sản rủi ro cao, đã tăng 0,41% trong ngày giao dịch cuối năm, lên 0,681 USD/AUD, nhưng cả năm cũng giảm 6,4%.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trên thị trường quốc tế đã giảm 0,73% so với đồng đô la Mỹ trong phiên 30/12, xuống 6,9215 CNH/USD, tính chung cả năm cũng giảm 8,7%, bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của đồng đô la và suy thoái kinh tế trong nước.
Sự lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau ba năm hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 đã giảm dần khi số ca nhiễm gia tăng có nguy cơ tiếp tục gây gián đoạn các hoạt động kinh tế.
Jan Von Gerich, nhà phân tích trưởng của Nordea, cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại "sẽ là một yếu tố gây biến động". "Nhưng khi chúng ta vượt qua được điều đó, khi chúng ta thực sự có những tác động tích cực đến kinh tế, tôi nghĩ nhu cầu đối với các tài sản rủi ro trên toàn cầu sẽ tăng lên," ông nói.
Đồng đô la Mỹ giảm khoảng 1,63% so với đồng yên Nhật trong phiên cuối năm, ở mức 130,860. Lập trường cực kỳ ôn hòa của Ngân hàng Nhật Bản đã khiến đồng USD tăng 13,7% so với đồng yên trong năm 2022, một năm mà đồng yen có diễn biến tồi tệ nhất kể từ năm 2013.
Đồng franc Thụy Sĩ ổn định so với đồng USD, ở mức 0,923 USD/CHF trong phiên cuối năm. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết họ đã tăng lượng franc bán ra trong quý 3 năm 2022, cho thấy trọng tâm của họ đã chuyển từ việc ngăn chặn sức mạnh của đồng franc sang chống lạm phát.
Đồng rúp tăng vọt trong phiên giao dịch cuối cùng của một năm đầy biến động, nhưng tính chung trong tháng 12 vẫn giảm do những lo ngại về tác động của việc phương Tây hạn chế giá dầu đối với doanh thu xuất khẩu của Nga.
Đồng rúp đã mất giá khoảng 11% so với đồng đô la kể từ khi giá trần xuất khẩu dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12, mặc dù các nhà phân tích cho biết tác động về mặt kỹ thuật sẽ được cảm nhận mạnh mẽ hơn trong tháng 1 và 2/2023.
Kết thúc phiên 30/12, rúp tăng mạnh 4% lên 69,30 RUB/USD, phục hồi từ mức thấp nhất trong 8 tháng là 72,9175 chạm tới trong phiên trước đó.
Nhân dân tệ Trung Quốc tăng giá trong phiên 30/12, nhưng tính chung cả năm cũng giảm mạnh nhất kể từ 1994 do các biện pháp chống Covid-19 cứng rắn đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và làn sóng lây nhiễm mới cản trở sự phục hồi.
Nhân dân tệ giao ngay trên thị trường nội địa phiên 30/12 tăng 66 pip lên 6,9585 CNY. Tính chung cả năm 2022, CNY giảm 8,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ 1994.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin phiên 30/12 giảm 0,26% xuống 16.550 USD, tính chung cả năm 2022 giảm hơn 64%.
Nhìn lại, trong bốn tuần cuối cùng của năm, Bitcoin đã mất 2,13%. Trong 12 tháng qua, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất này đã mất 64,10% giá trị.
Giá vàng tăng trong phiên 30/12 để kết thúc quý 4 tăng mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2020 do kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.818,70 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 vững ở mức 1.826,2 USD.
Giá vàng thỏi chỉ giảm khoảng 0,5% vào năm 2022 do các đợt tăng lãi suất liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ đẩy vàng xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào tháng 9, nhưng đã hồi phục dần kể từ đó.
Tham khảo: Reuters, Coindesk