Đồng USD đã giảm giá khi bước vào năm 2023, nhưng sau đó tăng mạnh trở lại vào tháng 2/2023 với mức tăng gần 3% chỉ trong vòng một tháng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất mạnh mẽ hơn so với những dự đoán ban đầu.
Tuy nhiên, việc một số ngân hàng của Mỹ mất thanh khoản dẫn đến dừng hoạt động trong tháng 3 đã buộc Fed phải giảm bớt kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đẩy đồng bạc xanh giảm giá và mất đi gần như toàn bộ mức tăng của tháng trước, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong thời gian ngắn và trung hạn, theo nhận định của các chiến lược gia và các nhà đầu tư.
Trong khi những lo ngại về tình trạng hỗn loạn trên thị trường liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đã lắng xuống trong khi chưa hoàn toàn biết chắc Fed có trở lại con đường thắt chặt mạnh mẽ hay không, cho thấy chuỗi thời gian tăng lãi suất nhanh và mạnh có thể sớm kết thúc, và cùng với đó là sự khởi đầu của giai đoạn kết thúc đợt tăng giá lịch sử của đồng đô la.
Hôm thứ Tư (5/4), đồng USD đã chạm mức thấp nhất 2 tháng khi các nhà đầu tư bán khống mạnh mẽ để chốt lời trước khi Mỹ công bố báo cáo về số việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, một dữ liệu cực kỳ quan trọng sẽ được công bố vào thứ Sáu (7/4).
Chỉ số Dollar index (DXY) sáng 5/4 chạm mức 101,43, thấp nhất kể từ 8/2 và lùi xa mức đỉnh 105,91 của năm nay. Về cuối phiên, DXY hồi phục nhẹ khi các nhà đầu tư hạn chế việc bán khống. Mặc dù vậy, xu hướng cơ bản đối với đồng đô la vẫn nghiêng về phía giảm giá và số lượng việc làm của khu vực tư nhân Mỹ vào thứ Tư đã khẳng định điều đó.
Số việc làm mà lĩnh vực tư nhân Mỹ tạo thêm trong tháng 3/2023 là 145.000, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán là 210.000 và càng thấp so với con số 261.000 việc mới tạo ra trong tháng 1.
Dữ liệu việc làm ủng hộ quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể không cần tăng lãi suất thêm nữa.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 3, với dự đoán là có khoảng 240.000 việc làm mới.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester, một người nổi tiếng với quan điểm cần thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm thứ Tư rằng còn quá sớm để biết liệu Fed có cần tăng lãi suất cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào đầu tháng Năm hay không.
Các thị trường hiện đang dự đoán có 55% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo và 85% khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Kết quả khảo sát của Reuters ở 90 chiến lược gia ngoại hối cho thấy đồng USD sẽ giảm giá so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt trong năm 2023.
Nêu bật vai trò quá lớn của lãi suất đối với các chuyển động tiền tệ, phần lớn các nhà phân tích (32/56 người), đã trả lời một câu hỏi riêng cho biết chênh lệch lãi suất sẽ thúc đẩy đồng đô la cùng lắm là trong tháng tới.
"Quan điểm của chúng tôi về đồng đô la là đồng tiền này sẽ tiếp tục suy yếu hơn nữa trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Tôi đoán những diễn biến gần đây là sự mất niềm tin vào các ngân hàng khu vực của Mỹ, điều này đã làm tăng rủi ro giảm giá đối với đồng bạc xanh", ông Lee Hardman, nhà kinh tế tiền tệ của MUFG nói.
"Fed sẽ nhận thức rất rõ về những rủi ro giảm giá đó đối với tăng trưởng trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi nhất trí quan điểm xem xét lại dự đoán ôn hòa trên thị trường lãi suất Mỹ. Chúng tôi nghĩ rằng Fed đã gần kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của mình."
Dự đoán thời điểm giảm lãi suất sẽ diễn ra sớm nhất là vào tháng 9 mặc dù lạm phát vẫn tăng cao gấp đôi mục tiêu của Fed.
Với dự kiến đồng đô la sẽ giảm, đồng tiền chung châu Âu đang tìm thấy vị thế của mình sau khi vượt qua mức ngang giá – diễn ra trong một thời gian ngắn trong năm 2022 do dự đoán lãi suất giảm.
Tăng 2,5% trong năm nay, đồng euro được dự báo sẽ giao dịch quanh mức hiện tại là 1,09 USD trong 1 đến 3 tháng tới và sau đó tăng thêm 2% để đạt khoảng 1,12 USD trong 12 tháng tới.
Đối với yen Nhật, mặc dù đã tăng hơn 2,5% trong tháng 3, đồng yên vẫn giảm 0,6% so với USD trong năm nay. Đồng tiền trú ẩn an toàn này, một lần nữa chạm mức thấp nhất trong 32 năm vào năm 2022 do chênh lệch tỷ giá, được dự báo sẽ lấy lại những mất mát đó trong những tháng tới.
Quan điểm trung bình của các chiến lược gia cho thấy đồng yên sẽ tăng gần 6,0% để giao dịch quanh mức 125,00 yên/USD trong 12 tháng tới.
Trong khi sự suy yếu của đồng đô la là một thay đổi đáng hoan nghênh đối với hầu hết các loại tiền tệ, đặc biệt là đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi -được dự báo sẽ đạt mức tăng khiêm tốn kể từ lúc này, thì mức tăng dự kiến của các tiền tệ mới nổi có thể chỉ hạn chế so với mức hiện tại.
Với việc đồng đô la vẫn mạnh mẽ trong nhiều năm bất chấp dự đoán của các nhà phân tích, một số người đã miễn cưỡng với dự đoán đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ suy yếu nhanh chóng. Điều đó thể hiện qua việc quan điểm trung bình trong 12 tháng đối với gần như tất cả các loại tiền tệ chính được khảo sát là giống hệt với cuộc thăm dò hồi tháng Ba.
Adam Cole, người phụ trách bộ phận chiến lược ngoại hối của RBC Capital Markets, cho biết: “Lần này, sự đồng thuận tăng lên trong dự đoán về USD”, song “Chúng tôi có thể lại sai khi cùng dự đoán là USD sẽ mất giá mạnh,” đồng thời cho biết ông không tin rằng Fed sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất sâu như thị trường đang kỳ vọng. Điều đó, theo ông Cole, sẽ chỉ xảy ra nếu một cuộc suy thoái nghiêm trọng xảy ra.
Tham khảo: Refinitiv