Đại biểu Quốc hội lưu ý việc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu Kinh tế Vân Phong cần có cơ chế kiểm soát để tránh chuyển nhượng thứ cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Sáng 16/6, các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều ngành nghề được ưu tiên đầu tư ở Khu kinh tế Vân Phong
Về quản lý tài chính và ngân sách, Quốc hội thống nhất hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương. Tỉnh cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Trong quy hoạch, Quốc hội cho phép Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.
Về quản lý đất đai, HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng.
Với những cơ chế đặc thù để phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Quốc hội quyết nghị danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ.
Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quy mô vốn đầu tư trên 25.000 tỷ cũng là ngành nghề được ưu tiên.
Ngoài ra Khu Kinh tế Vân Phong còn ưu tiên loại hình xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt.
Nhà đầu tư chiến lược được hưởng nhiều ưu đãi
Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện các dự án đầu tư. Họ phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Đa số ý kiến cho rằng việc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp, song có đại biểu đề nghị lưu ý vấn đề quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát để tránh chuyển nhượng thứ cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh Nghị quyết đã quy định rõ nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) đều phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng chú trọng khâu tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đối với mọi dự án.
Nghị quyết của Quốc hội cho phép nhà đầu tư chiến lược hưởng nhiều ưu đãi, như tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhà đầu tư chiến lược cũng được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng quy định về ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược còn chưa hấp dẫn, cần bổ sung thêm ưu đãi để thu hút.
Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định hiện nay, Khu kinh tế Vân Phong đã có chính sách ưu đãi như các khu kinh tế khác. Nghị quyết lần này chỉ quy định những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực tốt, có kinh nghiệm để triển khai dự án lớn mang tính động lực, vừa phù hợp với đặc thù Khu kinh tế Vân Phong, vừa bảo đảm hài hòa với các khu kinh tế khác.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/8 và được thực hiện trong 5 năm.
Khu Kinh tế Vân Phong ưu tiên đầu tư sân bay khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinashin Quốc hội cơ chế đặc thù Khánh Hòa ngân sách Nhà nước nhà đầu tư chiến lược Khu kinh tế Vân Phong