Theo GS. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), năm 2021 là lần đầu tiên Hiệp hội Đầu tư nước ngoài công bố báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam và đã nhận được đánh giá cao.
Tiếp nối thành công của Báo cáo thường niên về FDI của Việt Nam 2021, Hiệp hội Đầu tư nước ngoài đang khởi động quá trình biên tập Báo cáo thường niên về FDI của Việt Nam 2022 với chủ đề “FDI với tăng trưởng xanh và cơ cấu kinh tế hiện đại”.
Theo đại diện Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, dự thảo nội dung Báo cáo thường niên năm 2022 gồm 3 chương: Chương I: Toàn cầu và ASEAN; Chương II: Tình hình đầu tư nước ngoài; Chương III: Định hướng và giải pháp.
Mục đích của Báo cáo thường niên nhằm đánh giá khách quan, khoa học tình hình đầu tư nước ngoài dựa trên các tiêu chí số lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam; trên cơ sở so sánh với định hướng, mục tiêu hàng năm, trung hạn và dài hạn để nhận thức đầy đủ vai trò và tác động của khu vực FDI đối với kinh tế - xã hội của nước ta theo hướng xây dựng nền kinh tế xanh, chuyển đổi số.
Báo cáo thường niên mỗi năm có một số yếu tố mới phát sinh, trong đó năm 2022 là thuế tối thiểu toàn cầu và sự điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư của các quốc gia, trong đó có các nước ASEAN.
Báo cáo thường niên là tài liệu để Quốc hội, Chính phủ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tham khảo khi hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện và vận dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời là công trình khoa học để các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam tham khảo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 34.898 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 426,14 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 259,31 tỷ USD, bằng 60,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu ư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 252 tỷ USD (chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư). FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với trên 54,3 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư.