Vải không hạt là giống vải được nhập khẩu từ nước ngoài, khi chín vải màu đỏ rực ngoài vỏ, bên trong cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Ưu điểm của giống vải này là được trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên có tỷ lệ đường thấp, chứa đường đơn nên phù hợp cho người tiểu đường ăn kiêng, trong khi vi lượng gấp 3 lần vải bình thường.
Vì ngon, hiếm nên quý
Với thị trường trong nước, nếu như trái vải thường có giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, thì vải không hạt hay còn gọi là vải ngọc có giá lên tới 280.000 - 450.000 đồng/kg (tùy bao bì, số lượng và kích thước trái vải). Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, đơn vị cung cấp sản phẩm cho biết: Đây là năm đầu tiên vườn vải cho trái với sản lượng chỉ từ 15 - 20 tấn. "Chúng tôi đang thu hoạch và chỉ còn chừng ba ngày nữa là kết thúc vụ vải năm nay", ông Huệ thông tin.
Trong đó, công ty đang phân phối theo các hộp, như hộp đặc biệt giá 800.000 đồng/hộp (chỉ sản xuất 200 hộp); hộp 2 kg giá 550.000 đồng/hộp; hộp 1 kg giá 280.000 đồng/hộp và hộp 500 gram giá 148.000 đồng/hộp. “Mức giá này có thể được xem là cao so với giống vải truyền thống nhưng để đánh giá về chất lượng với những loại hoa quả nhập khẩu khác thì vô cùng hợp lý”, đại diện công ty nhận định.
Theo khảo sát, hiện vải không hạt khá “cháy hàng" tại TP.HCM và chỉ có một số ít cửa hàng trái cây cao cấp bán mặt hàng này. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty Mia Fruit cho biết, các năm trước công ty nhập vải không hạt từ Nhật về bán với mức giá 990.000 đồng/200 gram. “Hiện cửa hàng đang bán vải không hạt được nhập từ Thanh Hóa. Khách rất quan tâm, mỗi ngày có thể bán lẻ 50 - 100kg”, đại diện Công ty Mia Fruit cho hay.
Ngày 16/6, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam 600kg đã ra mắt thị trường Anh, trở thành loại quả đặc sản Việt Nam thứ 4, sau bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy và cam Cao Phong (Hòa Bình) được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính này trong năm 2023. Theo ông Thái Trần, Giám đốc điều hành TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh, giá bán lẻ vải không hạt khoảng 16 - 18 bảng Anh/kg (khoảng 480.000 - 540.000 đồng) và cao hơn vải thường từ 3 - 4 bảng Anh.
Dù giá bán khá cao nhưng Công ty TT Meridian vẫn quyết định thử nghiệm nhập khẩu loại trái cây đặc sản này để đánh giá nhu cầu thị trường sau khi đã có kết quả kiểm định chất lượng cho thấy sản phẩm có vị ngọt đặc trưng của vải thiều, cùi mọng, giòn và nhất là quả vải không có hạt, phù hợp với người tiêu dùng Anh và châu Âu. Nếu chất lượng và mức giá của vải không hạt Việt Nam được thị trường Anh đón nhận, Công ty TT Meridian sẽ nhập khoảng 1 tấn quả mỗi tuần trong tháng 6 và tháng 7.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Khối dịch vụ Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, cho biết một lô hàng vải thiều cũng đã xuất sang Nhật Bản với khối lượng 500 kg. Ngoài ra, một đơn vị phân phối sản phẩm vải thiều không hạt khác của Tập đoàn Hồ Gươm cũng đã xuất khẩu lô hàng hơn 100 kg từ Việt Nam đến Nhật Bản thông qua Công ty CP The Domino (Tokyo) để phân phối ở siêu thị tại Nhật Bản. Theo khảo sát, tại thị trường Nhật Bản, vải thiều không hạt đang được bán với giá 4.500 - 5.000 yen/kg, tương đương 750.000 - 840.000 đồng/kg.
Mang lại giá trị kinh tế cao
Năm 2019, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm (Công ty Hồ Gươm - Sông Âm) phối hợp Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn trồng thử nghiệm hơn 1.200 gốc vải không hạt được nhập khẩu từ nước ngoài trên địa bàn xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Giống vải được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với quy trình chăm sóc khoa học, hiện đại nên chỉ sau 3 năm, cây đã cho ra quả bói và năm nay đã cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Theo đánh giá ban đầu của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm và Viện Di truyền Nông nghiệp, sau 4 năm (từ năm 2019) trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy cây vải không hạt có ưu điểm nổi trội như: Cây cho kết quả khả quan khi sinh trưởng và phát triển tương đồng với vải thiều bản địa, cây to khỏe không bị sâu bệnh, chiều cao trung bình khoảng 2,5 - 3,5m ở năm thứ 4. Thời gian bắt đầu nở hoa đến kết thúc khoảng 1 tháng (đến đầu tháng 2 hàng năm). Thời gian đậu quả từ khoảng đầu tháng 3 đến tháng 6. Đặc biệt, giống vải không có hạt là giống chín sớm hơn giống vải thiều thường từ 7 đến 10 ngày.
Cũng theo đánh giá của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm và Viện Di truyền Nông nghiệp, hiện nay, đơn vị đang tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả để khi phát triển giống vải không hạt này sẽ bảo đảm được tính ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, nếu thành công, vải không hạt sẽ góp phần mở ra một hướng đi mới trong đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong mà ngoài nước.
Theo ông Thái Trần, và Công ty TT Meridian, hoa quả không hạt đang là xu thế tiêu dùng ở các nước phát triển cũng như trên thế giới. Vì vậy, các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam cần lưu ý đến yếu tố này và thường xuyên cải tiến giống cây trồng để theo kịp xu hướng của thế giới trong bối cảnh những tiến bộ về khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp đã và đang giúp Việt Nam cũng như thế giới phát minh, lai tạo ra nhiều giống quả có chất lượng.
Nói về việc mặt hàng này còn khan hiếm tại các siêu thị hay cửa hàng hoa quả, ông Nguyễn Duy Ninh thừa nhận sản phẩm vải không hạt đang trong tình trạng cháy hàng. Theo đó, đơn hàng đặt mua loại vải này rất lớn, trong khi nguồn cung chưa đủ để cung cấp cho các hệ thống siêu thị hay các cửa hàng bán lẻ. Để loại vải này có mặt ở rộng khắp các siêu thị hay các khu chợ truyền thống chắc chắn phải cần thêm thời gian.
Trong khi đó tại Mỹ, những quả vải thiều tươi đầu tiên từ Bắc Giang đã được bày bán ở các siêu thị tại Houston, Texas. Giá bán lẻ cho khách hàng là 14 - 15 USD mỗi pound (khoảng 780.000 đồng/kg). Đây là số vải thuộc lô hàng 1,08 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên của mùa vụ năm nay được bán tại thị trường này, theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ. Sản phẩm được cung cấp bởi Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu tại Lục Ngạn và nhập khẩu bởi LNS International Corporation.