Vải đi đường bay trong ngày
Khoảng 2 tuần qua, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vào chính vụ. Vải Thanh Hà được người dân cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng. Tuy vận chuyển bằng đường bay giá cước đắt đỏ nhưng rất nhiều người chuộng hình thức này vì quả vải tươi ngon, không chất bảo quản đến tận tay người tiêu dùng. Mỗi ngày huyện Thanh Hà xuất hàng chục tấn vải thiều qua đường bay.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận giá vải thiều đi đường bay giá cao hơn trung bình 30% so với năm ngoái với giá dao động từ 90.000đ - 99.000đ/kg. Tuy giá cao nhưng vải tươi ngon vận chuyển trong ngày nên được người dân rất ưa chuộng.
Chị Nguyễn Hoàng Anh - ở quận Ba Đình - Hà Nội cho biết, năm nào đến chính vụ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương chị cũng nhờ người quen ở Thanh Hà đóng vải chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tặng đối tác. Năm nay chị nhờ đóng 2 tạ vải Thanh Hà loại 1 vào TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng cước phí vận chuyển đường bay đã hết hơn 6 triệu đồng (gần như bằng tiền vải). Tuy cước đắt nhưng chị vẫn lựa chọn vận chuyển bằng đường hàng không vì quả vải được vận chuyển nhanh, đến tận tay người thân vẫn tươi ngon, không có bất kỳ chất bảo quản nào.
Chị Thùy Linh - một “đầu mối” chuyên đóng vải thiều đi đường bay tại xã Thanh Hồng - huyện Thanh Hà - Hải Dương cho biết: Những ngày này các đơn hàng vải thiều đi các tỉnh rất nhộn nhịp, nhất là vào TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày cơ sở của chị đóng khoảng 10 tấn hàng đi các nơi.
Là người có nhiều kinh nghiệm, chị Linh cho biết, vải là loại quả rất khó bảo quản vì là quả mọng, nặng, nhiều đường, dễ dập nát hơn nữa lại dễ bị khô, thâm khi tiếp xúc với không khí. Chính vì thế nên khâu đóng hàng, bảo quản phải rất cẩn thận. Vải được để trong thùng xốp và phải dùng một tấm nilon trải kín đều trong thùng, không cho vải tiếp xúc với không khí bên ngoài. Khi đóng thùng, chị Linh tiết lộ một bí quyết giúp quả vải được tươi lâu là cứ một lớp vải, chị lại trải thêm một lớp lá bèo tây thay vì trải lá vải thông thường. Lá bèo tây tươi giúp bổ sung độ ẩm tự nhiên cho quả vải, đủ cho vải vẫn tươi mọng dù vận chuyển khoảng 24 tiếng đến 48 tiếng. Nếu chỉ trải bằng lá vải sẽ không đủ độ ẩm vì lá vải rất dễ bị khô.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy nhà ở quận 7 - TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chị là người gốc Bắc nên năm nào đến mùa vải thiều, chị cũng đặt vải thiều Thanh Hà để ăn và biếu người thân. Năm nay chị đặt 90kg vải Thanh Hà, nhận hàng ngay trong ngày. Vải được vặt trên cây từ 5h sáng, chuyển lên Hà Nội và tới 20-21h là quả vải đã có mặt tại nhà chị tại quận 7. Dù giá vải có cao do vận chuyển bằng đường bay, nhưng được hái trong ngày nên vải rất tươi ngon, không bị nhạt và xuống mã như vận chuyển bằng đường bộ. Mỗi kg vải tính cả cước vận chuyển của chị Thủy cũng lên tới hơn 70.000 đồng. “Giá tuy cao nhưng ăn quả vải thiều ngon cũng xứng đáng vì cả năm mới có một lần” - chị Thủy tâm sự.
Tín hiệu vui cho cây vải Thanh Hà
Về giá cả, tuy cùng là huyện Thanh Hà nhưng mỗi xã lại có một mức giá khác nhau do độ ngon ngọt của từng vùng đất. Người dân sành ăn vải thiều Thanh Hà vẫn “mách” nhau rằng vải thiều được trồng tại 6 xã khu Hà Đông của huyện Thanh Hà là ngon ngọt nhất và giá cũng cao nhất. Chính vì thế, chị Thùy Linh tại xã Thanh Hồng (1 trong 6 xã khu Hà Đông của huyện Thanh Hà) cũng cho biết: Đa phần vải đóng đi TP. Hồ Chí Minh đều chọn vải tại xã Thanh Hồng của huyện này. Quả vải thiều Thanh Hà ngon thường quả không quá to, mã không đỏ rực mà kích cỡ vừa phải, quả màu đỏ hơi có ánh vàng, thường gọi là “mã mây” là lúc quả vải ngon nhất. Hiện giá vải loại 1, cắt cuống ngắn 2cm để đóng hàng bay dao động từ 30.000 - 40.000đ/kg. Còn vải các loại bó dài có giá khoảng 20.000 - 28.000đ/kg.
Năm nay, các tiểu thương hay đầu mối tại Thanh Hà rất có ý thức trong cung cách làm thương hiệu. Tất cả các loại vải đều có thương hiệu “Vải thiều Thanh Hà” kèm địa chỉ, số điện thoại rất bắt mắt và quy củ. Các tiểu thương cho biết, việc đầu tư thêm bao bì này cũng giúp nâng tầm quả vải thiều Thanh Hà, giúp khách hàng dễ nhận biết và liên lạc.
Vải năm nay được giá nên bà con Thanh Hà rất phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Tân Việt - huyện Thanh Hà cho biết, nhà anh trồng 3 mẫu vải. Năm nay cho thu hoạch cũng xấp xỉ 10 tấn, tổng thu được khoảng hơn 200 triệu đồng. Trừ đi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... gia đình anh thu lãi khoảng gần 90 triệu đồng.