Nội dung chính
- Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc việc giảm lãi suất điều hành.
- Chuyên gia đánh giá việc giảm lãi suất điều hành là không dễ trong tình hình lãi suất thế giới đang neo cao.
- Cần áp dụng mạnh mẽ các chính sách tài khóa để hỗ trợ người tiêu dùng, khuyến khích thị trường nội địa và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong cuộc họp chiều 11/5/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này đang cân nhắc việc giảm lãi suất điều hành. “Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản cải thiện, NHNN sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành” - bà Hồng phát biểu.
Trong tình hình các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục nâng lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn neo mức lãi suất liên bang ở mức cao (5,25%) như hiện nay, việc giảm lãi suất điều hành của Việt Nam là không dễ dàng, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc AFA Capital nhận định. Nếu giảm lãi suất điều hành, Việt Nam có thể đối mặt với vấn đề tỷ giá (đồng Việt Nam mất giá), dòng vốn ngoại rút khỏi nền kinh tế…
Các ngân hàng đang có xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm (lãi suất tiền gửi). Mức lãi suất tiết kiệm 9% trên thị trường đã gần như không còn. Tuy nhiên, các khoản vay cũ vẫn đang neo ở mức lãi suất cao, chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Các khoản vay mới tuy lãi suất giảm, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó có khả năng tiếp cận.
“Vấn đề không nằm ở lãi suất. Vấn đề nằm ở việc các doanh nghiệp không có đơn hàng” - ông Tuấn nhận xét.
Theo dữ liệu từ NHNN, tính đến 27/4/2023, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 3,04% so với cuối năm 2022. Mức tăng này là rất thấp so với mức tăng trên 7,2% vào tháng 4/2022.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI đã có hai tháng liên tiếp nằm dưới mức 50 điểm. Kết quả này cho thấy triển vọng sản xuất kinh doanh trong ít nhất 3 tháng tới sẽ tương đối ảm đạm. Thiếu đơn hàng, sức mua yếu, đang là vấn đề chung của các nền kinh tế, không chỉ riêng Việt Nam.
Tại diễn đàn “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” tổ chức ngày 10/5 vừa qua, đại diện IMF cũng cho rằng dư địa của Việt Nam trong chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng không còn nhiều.
Ông Tuấn cho rằng cần chú ý hơn đến các chính sách tài khóa trong giai đoạn hiện nay.
Trước hết là cần đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là cơ chế nhận trách nhiệm
Ngoài ra, Chính phủ cần giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh (về giá) trên thị trường quốc tế, từ đó lấy về các đơn hàng để tổ chức sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng năm 2023 đạt khoảng 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ 2022. Các Bộ đang đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho 8 tháng còn lại.
Mới đây, Chính phủ cũng đồng ý phương án giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% về mức 8%. Với chính sách này, Chính phủ sẽ gián tiếp “hỗ trợ” người tiêu dùng từ 35.000 - 38.000 tỷ đồng - là mức thuế mà cơ quan này sẽ bị “hụt thu”. Các chuyên gia đánh giá, việc giảm thuế Giá trị gia tăng, là loại thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, sớm muộn sẽ giúp mức giá các sản phẩm, dịch vụ giảm tương ứng.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Liệu có hạ lãi suất?
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây: