Phần Lan và một số nước châu Âu đang đứng trước một tình huống hiếm gặp. Tuần này, The Guardian đưa tin nguồn cung dư thừa đã đẩy giá điện giao ngay xuống dưới 0 ở một số thời điểm vào ban ngày.
Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng dư thừa cung từ các nguồn năng lượng tái tạo. Thêm vào đó, thời tiết dễ chịu khiến người dân không có nhu cầu sưởi ấm hay làm mát.
Trên thực tế, dường như không có bất cứ người dân Phần Lan nào được trả tiền để dùng điện. Thay vì giá giao ngay, mọi người thường thanh toán tiền điện với mức giá đã thỏa thuận với các công ty bán lẻ.
"Sản xuất bắt buộc"
Dù vậy, giá điện âm và tình trạng dư thừa nguồn cung vẫn là một bước ngoặt với Phần Lan, vốn phải hạn chế tiêu thụ điện cách đây chỉ vài tháng. Nước này đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Nhưng tháng 4 năm nay, một lò phản ứng hạt nhân đã được đưa vào hoạt động với nguồn cung năng lượng tăng lên đáng kể.
Theo The National, Olkiluoto 3 - lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên được khánh thành ở châu Âu trong vòng hơn 15 năm - đã giúp giá điện tại Phần Lan giảm 75% từ 245,98 euro/MWh vào tháng 12 xuống 60,55 euro/MWh trong tháng 4.
"Mùa đông năm ngoái, điều duy nhất mà người ta lo lắng là cần lấy thêm điện ở đâu. Giờ đây, chúng ta đang tìm cách hạn chế sản xuất", ông Jukka Ruusunen - Giám đốc điều hành của công ty vận hành lưới điện Phần Lan Fingrid - nói với đài Yle.
"Chúng ta đã đi từ thái cực này sang thái cực khác", ông nói thêm. Thật vậy, giá điện âm đang trở thành vấn đề mới đối với các nhà máy điện.
Mùa đông năm ngoái, điều duy nhất mà người ta lo lắng là cần lấy thêm điện ở đâu. Giờ đây, chúng ta đang tìm cách hạn chế sản xuất
Ông Jukka Ruusunen - Giám đốc điều hành của công ty vận hành lưới điện Phần Lan Fingrid
Giá điện thường âm khi nguồn cung dư thừa. Điều này có thể xảy ra do các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện sản xuất ra một lượng điện lớn vượt quá nhu cầu và không thể lưu trữ.
Trong những trường hợp này, các nhà sản xuất có thể để giá điện bán buôn rơi xuống mức âm để đẩy lượng điện dư thừa ra khỏi lưới điện và tránh tình trạng quá tải hệ thống.
Tại Phần Lan, băng tuyết tan nhanh vào mùa xuân đã đẩy các nhà máy thủy điện vào tình trạng chạy quá tốc độ và tạo ra lượng điện dồi dào.
"Vào mùa xuân, lũ lụt có thể tạo ra tình trạng 'sản xuất bắt buộc', bởi các nhà máy không thể kìm hãm năng suất. Do lượng nước rất lớn, thủy điện thường rất khó để điều tiết trong giai đoạn này của năm", ông Ruusunen giải thích.
Do đó, các nhà máy điện của Phần Lan không thể hoạt động một cách bình thường, nếu giá điện thấp hơn chi phí sản xuất.
"Việc sản xuất không mang lại lợi nhuận sẽ thường rời bỏ thị trường", ông Ruusunen bình luận.
Điện dư thừa trên khắp châu Âu
Đó không phải câu chuyện của riêng mình Phần Lan. Theo chuyên gia phân tích năng lượng Gerard Reid, xu hướng giá điện giảm xuống dưới 0 không chỉ bắt nguồn từ việc gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo và điều kiện thời tiết thuận lợi, mà còn bị coi là trở ngại đối với sự ổn định trong việc phát điện.
Chẳng hạn, Đan Mạch đáp ứng 85% nhu cầu năng lượng hàng tuần từ năng lượng tái tạo. Nhưng trong những ngày trời nhiều gió, nước này có thể xuất khẩu tới 50% lượng điện dư thừa sang các nước láng giềng.
"Điều này cho thấy lợi ích của sự kết nối, nhưng nó cũng bộc lộ những hạn chế. Bởi khắp châu Âu đang thừa điện", vị chuyên gia nhận định.
"Các nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều đã ghi nhận giá điện bằng 0 hoặc rơi xuống âm. Tình trạng sản xuất dư thừa khiến họ đạt đến giới hạn những gì có thể tiêu thụ, thậm chí xuất khẩu", ông giải thích.
Theo ông, không chỉ Phần Lan, băng tuyết tan nhanh ở Na Uy và Thụy Điển cũng cung cấp nhiên liệu cho các tuabin thủy điện và tạo ra lượng điện dư thừa.
Hơn nữa, theo nhà khí tượng học MetDesk Theo Gkousarov, khu vực áp suất cao chiếm ưu thế ở phần lớn Trung và Tây Bắc Âu đã dẫn tới "một lượng lớn năng lượng mặt trời trên toàn khu vực".
Thêm vào đó, khu vực này còn gấp rút bổ sung công suất phát điện vào năm ngoái. Ngoài lò phản ứng hạt nhân mới ở Phần Lớn với công suất 1,6 GW, các quốc gia này còn có thêm tổng cộng 5 GW năng lượng gió.
"Cùng với đó là nhu cầu về điện yếu ớt ở Bắc Âu, chủ yếu do môi trường kinh tế yếu kém của Thụy Điển. Điều đó càng làm trầm trọng hơn nữa vấn đề cung vượt quá cầu", ông Gkousarov bình luận.
Do đó, theo vị chuyên gia, các nhà máy điện đang phải gánh chịu chi phí để giảm tải lượng điện dư thừa, nhất là những nhà máy hoạt động kém linh hoạt như nhà máy thủy điện và hạt nhân.
Tìm cách lưu trữ
"Điều đó thật điên rồ", chuyên gia Reid bình luận về việc giá điện rơi xuống mức âm. Và đối với các nhà máy điện, vấn đề của họ nằm ở tính thiếu linh hoạt của hệ thống.
Ông Reid đưa ra một số giải pháp dài hạn như xây thêm hồ thủy điện tích năng, đóng vai trò như những bình ắc quy bằng nước quy mô khổng lồ; nâng cấp các cơ sở thủy điện hiện có; thúc đẩy nhu cầu linh hoạt và xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện.
Nhưng ông Reid cho rằng giải pháp trước mắt là pin ngắn hạn.
"Pin sẽ trở thành thành phần không thể thiếu trong hệ thống điện tương lai. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà máy điện truyền thống có thể hành động đủ nhanh, để tránh thiệt hại từ việc sản xuất và bán điện dưới chi phí vận hành hay không", ông đặt câu hỏi.
Nhìn sang Mỹ, các công ty từ BlackRock (Mỹ), SK (Hàn Quốc) đến UBS (Thụy Sĩ) đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nhà máy lưu trữ pin tại bang Texas (Mỹ). Đó là cách giải quyết các vấn đề về lưới điện của bang này bằng cách lưu trữ năng lượng ở quy mô lớn.
Lỗ hổng của năng lượng gió và năng lượng mặt trời là sự không liên tục. Điều này thúc đẩy các nhà máy pin lưu trữ điện ở thời điểm điện rẻ và dồi dào, rồi bán giá khi nguồn cung thắt chặt và giá cả tăng cao.
Theo Merccom Capital Group, các công ty lưu trữ năng lượng của Mỹ đã thu hút được 5,5 tỷ USD đầu tư vào năm ngoái.