Năm ngoái, doanh thu từ hoạt động vận hành 6 trung tâm thương mại lớn của Aeon Mall Việt Nam đạt gần 13,3 tỷ yên, tức khoảng 2.400 tỷ đồng, theo báo cáo kết quả kinh doanh của công ty Aeon Mall Nhật Bản. Năm tài chính của Aeon Mall kết thúc vào thời điểm cuối tháng 2 hàng năm.
Các trung tâm thương mại của Aeon Mall Việt Nam đặt tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Hải Phòng. Đó đều là các cơ sở quy mô lớn với diện tích mặt sàn từ 100.000 - 150.000 m2.
Hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại Aeon Mall phục hồi trở lại mạnh mẽ sau hai năm bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Doanh thu tăng thêm 7,4 tỷ yên, tương ứng 224%. Lợi nhuận hoạt động (Operating Income) từ âm 83 triệu yên tăng lên hơn 3 tỷ yên, tức khoảng 540 tỷ đồng.
Mức doanh thu 2.400 tỷ đồng của Aeon Mall Việt Nam trong lĩnh vực vận hành chuỗi trung tâm thương mại là tương đối ấn tượng. Để tham chiếu, CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) sở hữu hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam năm 2022 đạt doanh thu gần 7.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 1.700 tỷ đồng.
Xét theo doanh thu, Vincom Retail lớn gấp 3 lần Aeon Mall Việt Nam nhưng mô hình có sự khác biệt. Đến cuối năm ngoái, Vincom Retail vận hành 83 trung tâm thương mại trên cả nước, với diện tích sàn 1,75 triệu m2, trung bình 21.000 m2 cho một cơ sở. Số này chỉ bằng 1/5 diện tích sàn trung bình của Aeon Mall, nhà phát triển trung tâm thương mại Nhật Bản tập trung phát triển các cơ sở “siêu lớn”, thay vì ưu tiên số lượng.
So với năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu của Aeon Mall Việt Nam tăng tới 245%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là bởi hai trung tâm thương mại lớn tại Hà Đông - Hà Nội và Hải phòng chỉ mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 và 2020. Mặt khác, nếu xét riêng 4 trung tâm thương mại đã tồn tại trước năm 2019, tăng trưởng doanh thu của năm 2022 so với 2019 cũng đạt gần 40%.
Tuy nhiên nếu nhìn vào Vincom Retail, doanh thu của nhà phát triển trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam vẫn còn cách đỉnh 9.300 tỷ đồng của năm 2019 một khoảng khá xa. Thị trường trung tâm thương mại chưa thực sự phục hồi so với trước dịch. Từ quý 4/2022, sức mua ngành bán lẻ bắt đầu sụt giảm.
Bức tranh tài chính sáng sủa cộng thêm điều kiện vĩ mô thuận lợi biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường nước ngoài chủ lực của Aeon Mall. Doanh thu tại thị trường Việt Nam xếp thứ ba sau thị trường Trung Quốc và thị trường quê hương Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam đang được Aeon Mall lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư trong nhiều năm tới. Một trong những mục tiêu đáng chú ý là tăng gấp ba số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025.
Tháng 2/2023, Aeon Mall khởi công dự án siêu trung tâm thương mại tại thành phố Huế, với diện tích mặt sàn gần 140.000 m2, vốn đầu tư 169 triệu USD. Khi hoàn thành vào nửa cuối năm tài chính 2024, Aeon Mall Huế sẽ trở thành trung tâm thương mại đầu tiên tại miền Trung Việt Nam của tập đoàn đến từ Nhật Bản. Đến nay, Aeon Mall đã ký kết các biên bản ghi nhớ để đầu tư thêm các trung tâm thương mại tại Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng… công ty Nhật Bản cho biết.
Mảng kinh doanh trung tâm thương mại với Aeon Mall chỉ là một cấu phần trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn Aeon - nhà bán lẻ lâu đời và quy mô nhất Nhật Bản tại Việt Nam. Ngoài ra, Aeon còn phát triển các trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị, các cửa hàng bán lẻ chuyên doanh, siêu thị vừa và nhỏ, siêu thị tinh gọn. Tính đến cuối tháng 2/2023, Aeon vận hành khoảng 30 siêu thị, khoảng 150 cửa hàng tiện lợi, cũng như cung cấp nhiều dịch vụ khác tại thị trường Việt Nam.
Nhưng để nói về mức độ ấn tượng, tại thị trường Nhật Bản, Aeon vận hành 519 trung tâm thương mại, 2.178 siêu thị và đầy đủ các mô hình bán lẻ hiện đại khác. Số các cơ sở bán lẻ của Aeon tại riêng thị trường Nhật là 16.159, tổng số trên toàn cầu là gần 17.400. Doanh thu của tập đoàn Aeon trong năm tài chính 2022 đạt 9.117 tỷ yên, gần 66 tỷ USD.