Elon Musk có nhiều mối quan hệ trong giới kinh doanh, song các chuyên gia lại cho rằng vòng xoáy “những người luôn nói Có” này có thể là nguyên nhân khiến chính Musk sụp đổ.
William Klepper, giáo sư trường Kinh doanh Columbia đã đề cập đến một câu chuyện ngụ ngôn làm ví dụ: “Đó là câu chuyện kinh điển hoàng đế không mặc quần áo, nhưng người dân ai nấy đều sợ hãi và không dám nói ra”.
Mới đây nhất, Musk bị khán giả tại chương trình hài kịch của Dave Chappelle la hét phản đối. Vị tỷ phú cho biết đây là “lần đầu tiên chịu phản ứng mạnh đến vậy ngoài đời thực”, trong khi các chuyên gia thì không mấy gì ngạc nhiên.
Trong cuộc sống thường ngày, Musk dường như được bao quanh bởi quá nhiều những lời khen có cánh. Loạt tin nhắn từng được tiết lộ giữa Musk và một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ truyền thông cho thấy người đàn ông giàu nhất thế giới được ngợi ca rất nhiều sau khi quyết định chuyển Twitter sang chế độ riêng tư.
Theo Rosabeth Moss Kanter, giáo sư trường Harvard kiêm tác giả cuốn "Think Outside the Building: How Advanced Leaders Can Change the World One Smart Innovation at a Time", Elon Musk đang bị vây quanh bởi văn hóa sùng bái.
“Mọi người muốn xây dựng mối quan hệ với những người có nhiều quyền lực. Điều đó có nghĩa, những người vốn vẫn được coi là “bạn” thực chất chỉ là “bè”, Kanter nói.
Arthur Boni, giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, cho rằng hội đồng quản trị của Tesla là “công thức dẫn đến thảm họa”, song với Sabina Nawaz, người từng cơ hội hợp tác với các công ty công nghệ, đây có thể là một dấu hiệu tích cực.
“Những nhà quản lý tuyệt vời thường sẽ xây dựng được lòng trung thành xung quanh mình”, Nawaz nói. “Mọi người sẽ luôn theo dõi họ. Các CEO tận dụng điều này và bằng chứng rằng mọi người luôn muốn làm việc với họ”.
Theo giáo sư Kanter, việc thiếu đi những ý kiến bất đồng quan điểm có thể khiến Musk tự mãn và đẩy công ty của ông vào trạng thái nguy hiểm, thua lỗ kéo dài và Tesla là ví dụ điển hình.
Tháng khủng khiếp cuối cùng của năm đã khiến cổ phiếu này lao dốc gần 70% so với hồi năm ngoái - mức sụt giảm đủ để khiến đây trở thành cổ phiếu giao dịch tệ nhất năm 2022 trên phố Wall. Trước khi phục hồi một phần vào phiên giao dịch gần nhất, vốn hóa Tesla chỉ còn 355 tỷ USD, tức giảm gần 900 tỷ USD so với mức đỉnh hồi năm 2021.
Dẫu vậy, không rõ liệu Musk có phép những người thân cận được phép lên tiếng phản đối quan điểm của ông hay không, theo Kanter. Trước đây, Musk đã sa thải một số nhân viên Twitter vì đã công khai chống lại ông trên mạng xã hội.
Không chỉ nhân viên, bản thân các đối tác của Musk cũng bị liên lụy vì bản tính khó lường. Theo BI, những người này khi đến gặp Elon Musk tại trụ sở Twitter ở San Francisco sẽ thường phải đợi hơn 1 giờ đồng hồ. Họ cũng sẽ không được phép mở lời trước khi Musk nói để thể hiện sự “tôn trọng”. Tuy nhiên đổi lại, vị CEO giàu nhất thế giới này lại thoải mái xem các video trên Youtube ngay khi cuộc họp đối tác đang diễn ra.
Phong cách lãnh đạo của Musk vốn đã bị chỉ trích nặng nề kể từ khi ông tiếp quản Twitter gần 2 tháng trước. Một trong những động thái “gây phản cảm” đầu tiên là ngay lập tức sa thải một số quản lý hàng đầu của công ty, sau đó thẳng tay cắt giảm hơn một nửa lực lượng lao động để tối ưu chi phí hoạt động. CEO Tesla cũng được cho cũng đã lấy đi nhiều phúc lợi của nhân viên, sử dụng các cuộc thăm dò trên Twitter để đưa ra các quyết định quan trọng song lại chóng vánh lật ngược kế hoạch.
Theo Klepper, nếu Elon Musk không sớm tìm ra cách xoay chuyển tình thế, các đối tác kinh doanh có thể sẽ lần lượt ra đi.
“Họ đặt tiền vào công ty của Musk vì nghĩ có thể kiếm được tiền từ đây. Mối quan hệ chỉ dừng ở việc ‘anh có kiếm tiền cho tôi được hay không’ và khi chúng lung lay, mối quan hệ này sẽ thay đổi”, Klepper nói.
Dĩ nhiên, Musk cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm, không cần biết do kiêu ngạo, bất cẩn hay đơn giản chỉ là chán nản với công việc hàng ngày của mình. Những sai lầm cá nhân của ông đã trở thành “chất xúc tác” khiến Tesla thêm điêu đứng.
Theo BI, Elon Musk vốn được biết đến với phong cách làm việc cứng nhắc. Ông thường xuyên ngủ tại các nhà máy của Tesla trong quá trình sản xuất và làm điều tương tự tại văn phòng Twitter như một minh chứng cho sự “cuồng yêu công việc”. Một nhân viên còn cho biết CEO Twitter rất thích khám phá, giải quyết vấn đề và lập trình cả đêm không ngủ.
Trước đó, Elon Musk chia sẻ quá trình xây dựng Twitter 2.0 rất khó khăn, đồng thời yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ cường độ cao, nếu không sẽ bị buộc cho thôi việc. Vị tỷ phú sau đó cũng loại bỏ các chính sách làm việc từ xa và buộc nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng.