Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh. Hiện thị trường đang có sự thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, trong khi thời điểm hiện nay nhu cầu tuyển dụng của nhiều nhóm nghề, doanh nghiệp cũng tiếp tục gia tăng.
Về nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực sau dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 mới đây thông tin, hiện còn một số lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc, hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà. Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn…
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm việc thông qua mạng internet.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, qua quan sát của đơn vị này thì Hà Nội và các tỉnh lân cận xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề, phân khúc, trình độ.
Theo ông Thành, thông qua hoạt động thu thập thông tin và từ các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng nhân lực tại Trung tâm cho thấy, phân khúc trình độ lao động phổ thông đang rất thiếu kể cả lao động có tay nghề. “Mới đây, chúng tôi nhận được đơn hàng của Công ty Cổ phần Vinhomes đăng ký tuyển dụng 20.000 lao động trên toàn bộ miền Bắc để phục vụ cho các công trình của đơn vị. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí cũng đang thiếu người làm việc”, ông Thành dẫn chứng.
Nhận định về thị trường lao động những tháng cuối năm 2022, ông Thành đánh giá, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên so với những tháng trước đây. Thông thường, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn như: Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, xu hướng tuyển dụng các tháng cuối năm sẽ rất đa dạng, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại – dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn, tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng...Ngoài ra, nhóm ngành về công nghệ thông tin vẫn tiếp tục tăng tuyển dụng, và các nhóm ngành khác về thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe.
Về mức lương, ông Thành cho rằng, tùy từng vị trí việc làm và yêu cầu cạnh tranh mà sẽ có mức lương dao động khác nhau. Việc có tăng lương trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng tăng còn phụ thuộc vào bối cảnh thị trường, cung – cầu lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…Từ các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ có thể áp dụng mức lương, thưởng tương đối linh hoạt, hấp dẫn để thu hút người lao động đăng ký ứng tuyển và làm việc.
Tăng nhu cầu tuyển dụng trong những tháng cuối năm để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch cũng là nhận định được đưa ra trong một khảo sát về tình hình thị trường lao động Việt Nam 2022 của VietnamWorks – trang tìm kiếm việc làm trực tuyến.
Báo cáo của VietnamWorks cho thấy, 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp. Đứng ở góc độ người tìm việc, 80% người lao động ở các cấp độ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong những tháng cuối năm 2022.
Các số liệu trên cho thấy, cả doanh nghiệp và người tìm việc đều có nhu cầu rất cao về tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm việc. Vì vậy, trong những tháng sắp tới, sẽ là lúc thị trường tuyển dụng bắt đầu hòa nhịp sôi động khi nhu cầu tìm việc/chuyển việc của nhân viên đã quay trở lại.
Để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực như: Kinh doanh/bán hàng; kỹ thuật; công nghệ thông tin – IT, tài chính kế toán; kiểm toán; tiếp thị marketing…
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành vẫn giữ cấu trúc nhân sự ổn định, tức nhóm tìm việc, chuyển việc vẫn chiếm trọng số nhưng có sự phân bổ cân bằng hơn ở nhóm người ổn định như: Nông - lâm - thủy sản; logistics; công nghệ thông tin; giáo dục - đào tạo. Đây cũng là những nhóm ngành không gặp ảnh hưởng lớn về cơ cấu nhân sự trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, và cũng ít có sự “thay áo nhân lực”, dù không thể phủ nhận là vẫn có sự rời đi của một số nhóm ứng viên.