Ngày 9/11, CEO Mark Zuckerberg công bố kế hoạch sa thải 11.000 nhân viên tại Meta, tương đương 13% nhân sự. Đồng sáng lập công ty thừa nhận sai lầm khi đánh giá quá cao khả năng tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng thừa nhân viên.
"Tôi đã sai, xin chịu trách nhiệm về việc này", Zuckerberg cho biết.
Vài ngày trước, Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter xin lỗi sau khi Elon Musk, chủ sở hữu mới của nền tảng tuyên bố cắt giảm 50% nhân sự. "Tôi đã phát triển quy mô công ty với tốc độ quá nhanh. Xin lỗi vì điều đó", Dorsey viết.
"Xin được chịu trách nhiệm với quyết định tăng cường nhân sự nhanh hơn", Jeff Lawson, CEO nền tảng liên lạc đám mây Twilio chia sẻ hồi tháng 9, trong tuyên bố cắt giảm 11% nhân viên công ty. "Tôi xin lỗi" cũng là câu nói của Sam Bankman-Fried, ông chủ sàn tiền mã hóa FTX vào ngày 10/11, sau khi không thể tìm lối ra với thương vụ bán lại cho Binance.
Tự tin thái quá
Văn mẫu "Tôi xin lỗi" của các CEO phần nào phản ánh giai đoạn khó khăn của các công ty công nghệ. Điều đó cho thấy sự tự tin thái quá của các ông lớn, đặc biệt khi ngành công nghệ ghi nhận tăng trưởng mạnh trước dịch Covid-19.
Với một số lãnh đạo trẻ tuổi, đây còn là lần đầu họ phải lèo lái công ty trước tình hình kinh tế suy thoái.
Các công ty công nghệ chứng kiến thời gian online của người dùng tăng vọt từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Do đó, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển nhân sự để tận dụng cơ hội và tích lũy nhân tài.
Jack Dorsey trong một sự kiện công nghệ năm 2015 khi còn là CEO Twitter. Ảnh: TechCrunch.
Meta đã mở rộng nhân sự lên hơn 80%, đạt khoảng 87.000 nhân viên từ khi đại dịch bùng phát. Alphabet, công ty mẹ của Google cũng tuyển thêm gần 68.000 nhân viên, tăng khoảng 57% so với đầu năm 2020. Trong khi đó, lượng nhân viên Twitter tăng hơn gấp đôi, còn Twilio tăng gấp 3 chỉ sau 2 năm bùng phát dịch.
Tuy nhiên, nhu cầu về mọi thứ liên quan đến công nghệ, từ quảng cáo trực tuyến đến chip máy tính đã giảm mạnh khi mọi người trở lại thói quen sinh hoạt, làm việc bình thường. Tình hình kinh tế suy thoái cũng khiến người dùng thắt chặt chi tiêu. Theo WSJ, chỉ số Nasdaq về công nghệ đã giảm hơn 30% từ đầu năm đến nay.
Jeff Hunter, CEO công ty huấn luyện lãnh đạo Talentism cho biết các công ty tăng cường tuyển nhân sự để đáp ứng nhu cầu và đi trước đối thủ. "Họ không muốn thua cuộc trong trận chiến nhân tài. Nhưng bữa tiệc nào rồi cũng tàn", Hunter chia sẻ.
Làn sóng sa thải ồ ạt
Trong bài thông báo ngày 9/11, Zuckerberg nhắc lại mức tăng trưởng doanh thu tăng vọt trong ngành công nghệ khi đại dịch mới bùng phát.
"Nhiều người dự đoán đà tăng trưởng sẽ kéo dài vĩnh viễn, và tiếp tục ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng nghĩ vậy nên quyết định tăng cường đầu tư. Không may khi mọi thứ diễn ra ngoài ý muốn", Zuckerberg cho biết.
Một văn phòng của Alphabet tại Mountain View, California. Ảnh: Reuters.
Đợt cắt giảm nhân sự được công bố sau khi Meta ghi nhận doanh thu quảng cáo lần đầu sụt giảm trong 2 quý liên tiếp. Chỉ riêng các công ty mạng xã hội đã sa thải hơn 16.000 nhân viên trong tuần này.
Mọi chuyện cũng không khả quan với những doanh nghiệp công nghệ khác. Intel đã công bố cắt giảm nhân sự từ cuối tháng 10. Nhà sản xuất thiết bị thể thao Peloton Interactive sa thải gần một nửa lao động sau 4 đợt. 3 tháng trước, công ty môi giới tài chính trực tuyến Robinhood Markets tuyên bố đã cho thôi việc 23% nhân viên.
Amazon, sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới cũng không thoát cảnh thừa nhân lực. Khi đại dịch bùng phát, Amazon hoạt động hết công suất để phục vụ lượng đơn hàng online tăng mạnh. Lực lượng lao động của công ty đã tăng gấp đôi từ năm 2020 đến tháng 3 năm nay, đạt khoảng 1,5 triệu nhân viên.
Công ty cũng mở thêm hàng trăm nhà kho, trung tâm phân phối và cơ sở hậu cần để giải quyết nhu cầu mua hàng tăng mạnh. Lợi nhuận của Amazon tăng gần 3 lần.
Một cửa hàng trải nghiệm thiết bị thực tế ảo của Meta. Ảnh: Getty Images.
Đến ngày 10/11, CEO Andy Jassy tuyên bố thiết lập hoạt động kinh doanh cho một "thực tế khác" sau khi Amazon ghi nhận tình hình tài chính tồi tệ. Công ty này đã cắt gần 100.000 nhân viên trong quý II, khiến lượng nhân sự chỉ còn khoảng 1,5 triệu.
Dù vậy, Amazon cho biết đang có kế hoạch tăng cường tuyển nhân viên kho hàng để đáp ứng mùa mua sắm cuối năm.
Góc nhìn lạc quan
John Chambers, CEO Cisco Systems cho biết sa thải hàng loạt là cách đánh giá hoạt động kinh doanh của các công ty sau thời gian dài bùng nổ. "Mức tăng trưởng che đậy rất nhiều sai lầm. 12 năm liên tục tăng trưởng đồng nghĩa chúng tôi gặp một chút khó khăn", Chambers chia sẻ.
Đồng quan điểm, Sundar Pichai, CEO Alphabet cho rằng việc cắt giảm nhân viên mở ra cơ hội mới cho công ty. "Trong giai đoạn tăng trưởng, rất khó để đưa ra các điều chỉnh cần thiết. Những giai đoạn như thế này cho chúng tôi một cơ hội", Pichai nói thêm.
Sau khi thanh lọc 20% nhân viên vào tháng 8, Evan Spiegel, CEO Snap, công ty sở hữu nền tảng Snapchat hy vọng điều này sẽ không xảy ra trong tương lai. "Mức độ sa thải nhân sự sẽ giảm đáng kể khả năng lặp lại điều này", Spiegel cho biết.