Lifestyle

Văn phòng 'ô nhiễm' vì đồng nghiệp hát hò, văng tục, làm ồn

Với Tâm Anh (28 tuổi), quy định 'không làm ồn' của công ty dường như vô dụng. Trong giờ hành chính, văn phòng luôn ầm ĩ tiếng nói cười, ăn uống, thậm chí nói tục của đồng nghiệp.

Tiếng ồn nơi công sở nằm trong số những tác nhân gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên. Ảnh: Phương Lâm.

Công ty của Tâm Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) có bộ quy tắc ứng xử, trong đó quy định không làm ồn tại văn phòng. Tuy nhiên, trong giờ hành chính, tiếng trò chuyện, ăn uống của các đồng nghiệp vẫn truyền nhau từ bàn này qua bàn khác.

Vào giờ nghỉ trưa, khu vực làm việc được tắt đèn từ 12h30 tới 13h để các nhân viên có thể chợp mắt. Thế nhưng, tình trạng nhiều nhóm đi ăn trưa về gây ồn ào, mất trật tự vẫn diễn ra thường ngày.

“Tôi vốn phải làm việc với nhiều số liệu và hồ sơ, chỉ cần thiếu tập trung một chút là có thể bị chậm tiến độ hoặc gây ra sai sót lớn. Song, tôi không dám phản ứng với đồng nghiệp vì họ đều là người lớn tuổi hơn”, cô nói với Zing.

Chạy trốn tiếng ồn

Theo Cơ quan Quản lý an toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA), trong văn phòng, tiếng ồn khó chịu có thể đến từ mọi nguồn: điều hòa không khí, nhạc chuông, công trình xây dựng gần đó và đặc biệt là từ giọng nói của người khác.

Ở ngưỡng dưới 85 dB, mức độ tiếng ồn văn phòng được xem là có thể chấp nhận. Nhưng khi âm thanh vượt quá 90 dB, công ty buộc phải thiết kế lại nơi làm việc, bố trí lại các vị trí để đảm bảo giảm thiểu âm lượng.

Bảo Ngọc sợ làm mất lòng đồng nghiệp nếu phản ánh tình trạng ồn ào.

Năm 2019, công ty giải pháp kinh doanh thông minh Remark Group thực hiện cuộc khảo sát Tiếng ồn và Sức khỏe tại nơi làm việc trên 1.000 nhân viên văn phòng tại Anh. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Tiến sĩ Nigel Oseland, giảng viên cao cấp danh dự tại Viện Thiết kế và Kỹ thuật Môi trường của UCL.

Theo đó, 65% người được hỏi đồng ý rằng tiếng ồn tại nơi làm việc ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc một cách chính xác và kịp thời của họ. 44% cho biết tiếng ồn tại văn phòng có tác động tiêu cực đến sức khỏe nói chung và khiến họ cảm thấy căng thẳng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi công việc bị gián đoạn, nhân viên sẽ phải mất 15 phút để lấy lại trạng thái tập trung. Điều này có nghĩa 1/2 lực lượng lao động đang phải lãng phí hơn 1 giờ/ngày vì bị phân tâm, dẫn đến năng suất làm việc sẽ giảm đi đáng kể.

Từ năm 2020 đến 2022, khảo sát trên không còn được thực hiện do sự gián đoạn của dịch bệnh và xu hướng làm việc thay đổi của nhiều văn phòng. Tuy vậy, đến 2023, khi các công sở quay trở lại thói quen làm việc trực tiếp của trước đây, số liệu lại được nhắc tới như một vấn đề nổi cộm của công dân “cổ cồn trắng”.

Nếu như Tâm Anh khó có thể tập trung do đồng nghiệp nói chuyện, Bảo Ngọc (25 tuổi, quận 3, TP.HCM) lại bất mãn với tiếng gõ bàn phím cơ quá ồn từ những người bên cạnh.

Tại công ty công nghệ nơi cô làm việc, hầu hết nhân viên thuộc bộ phận kỹ thuật đều sở hữu loại bàn phím này. Tốc độ gõ nhanh, liên tục, mỗi nút ấn đều phát âm lượng lớn khiến cô thường xao nhãng nhiệm vụ chính.

Vài lần, cô phải rời khỏi bàn làm việc cá nhân, mang laptop vào phòng ăn trưa của công ty để có thể làm việc. Tuy nhiên, đây không phải không gian phù hợp. Phòng có diện tích nhỏ, không có ổ điện và ám mùi thực phẩm.

Một số dịp khác cần sự tập trung cao độ, Bảo Ngọc xin phép cấp trên cho ra quán cà phê để hoàn thành công việc. Cô không dám góp ý với đồng nghiệp vì lo ngại làm mất lòng hay sợ bị đánh giá là nhân viên “đòi hỏi”.

“Gần đây, tôi đầu tư một chiếc tai nghe headphone có chức năng cách âm và chặn tiếng ồn rất hiệu quả, giá hơn 10 triệu đồng, khá chát nhưng xứng đáng”, Bảo Ngọc chia sẻ về phương pháp đối mặt với tiếng ồn tại văn phòng.

Nếu cần trao đổi với đồng nghiệp, nhân viên nên lựa chọn địa điểm phù hợp với quy mô người tham dự, cũng như chú ý điều chỉnh âm lượng giọng nói. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, Phương Khanh (30 tuổi), làm việc tại một công ty ở TP Thủ Đức (TP.HCM), cũng mệt mỏi khi thường xuyên phải nghe một số đồng nghiệp văng tục, chửi bậy trong giờ làm.

Team quan hệ công chúng (PR) của cô được xếp ngồi đối diện với nhóm kỹ thuật công nghệ. Họ trò chuyện không ngớt ở mọi chủ đề, từ chuyện xe hơi, cho đến hát hò và rủ nhau đi nhậu. Những người này cũng thường đệm các từ chửi thề trong cuộc trò chuyện.

Đây không phải lần đầu tiên Phương Khanh ngồi gần những đồng nghiệp ồn ào.

Cô cho biết công ty có chính sách hoán đổi chỗ ngồi của nhân viên 6 tháng/lần. Trước đây, cô được xếp ngồi gần nhóm làm công việc sáng tạo cũng thường xuyên hát hò, nói chuyện đời tư trong giờ làm.

Hay mỗi lần sang trao đổi về công việc với team kỹ thuật công nghệ, nhóm phụ trách khách hàng của công ty, như nhân viên account hay sales, thường ngồi lại rất lâu và nói bằng âm lượng lớn.

Ban đầu, giống như Bảo Ngọc, Phương Khanh chọn cách đeo tai nghe và bật nhạc âm lượng lớn nhằm át đi tiếng ồn. Nhưng khi tần suất bị làm phiền quá dày đặc, cô phải tìm một chỗ ngồi khác trong không gian mở của văn phòng.

“Tôi thường xuyên phải ở lại văn phòng muộn để giải quyết nốt các đầu việc, vì khi đó team kỹ thuật công nghệ đã về nhà rồi”, cô kể.

Phương Khanh từng góp ý vào nhóm chat chung của công ty 2 lần và nhận được sự đồng tình từ một số nhân viên khác. Thế nhưng, không có thay đổi nào được thực hiện. Chia sẻ với Zing, nhân viên sinh năm 1993 cho biết cô không có ý định phản ánh tình trạng này lần thứ 3.

“Có lẽ việc một bộ phận nhân viên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn không phải mối quan tâm chung của HR nên tôi không thấy ai giải quyết. Do đó, có nói nữa cũng sẽ không được giải quyết dứt điểm”, cô nói.

Vai trò của công ty

Theo Phương Khanh, mỗi người cần cân nhắc địa điểm phù hợp khi có nhu cầu trao đổi công việc. Với những nhóm 2-3 người, cuộc trò chuyện có thể diễn ra tại bàn làm việc cá nhân, nhưng nên ngồi gần nhau, sử dụng âm lượng giọng nói vừa đủ nghe để tránh ảnh hưởng người khác.

Còn với những cuộc trao đổi gồm nhiều người tham dự, người chủ trì nên vào phòng họp hoặc di chuyển sang khu vực sinh hoạt chung, cách xa chỗ làm việc của các đồng nghiệp khác.

Công ty của Thái Hà áp dụng bộ quy tắc ứng xử một cách nghiêm túc.

“Công việc của tôi chủ yếu có thể trao đổi qua email hay tin nhắn. Trong các trường hợp làm việc với cả team hoặc khách hàng, tôi luôn đặt chỗ phòng họp hoặc ngồi ở khu vực sinh hoạt chung”, cô nói.

Trong khi đó, Thái Hà (26 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM), chuyên viên truyền thông nội bộ, cho biết công ty cô bắt buộc nhân viên phải tuân thủ theo bộ quy tắc ứng xử nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.

Các nhân viên được khuyến khích để điện thoại trong chế độ im lặng và nghe điện thoại tại khu vực riêng. Điều này vừa tránh tình trạng khiến người khác phân tâm hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc trò chuyện.

Đối với nhóm nhân viên sales, họ sẽ được bố trí ngồi trong một phòng riêng, có cửa cách âm để tránh làm phiền những nhân sự khác.

“Hơn nữa, cấp trên sẽ ngồi cùng khu vực bàn với nhân viên nên hầu như ai cũng giữ im lặng, hạn chế gây tiếng ồn. Tôi không rõ đây có phải cách hay không, nhưng nó rất hiệu quả”, cô cho biết.

Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng rằng họ cần những tiện ích xa xỉ tại văn phòng để giữ chân nhân viên, như pantry rộng lớn, bể bơi, phòng gym... Tuy nhiên, những gì dân công sở cần là một không gian yên tĩnh để làm việc.

Theo Công ty cung cấp giải pháp cho văn phòng Mỹ iOffice Corp, có 4 cách để giảm thiểu tiếng ồn hiệu quả tại văn phòng mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc:

Thiết kế nơi làm việc hợp lý: Các công ty cần cân nhắc trước khi quyết định xây dựng văn phòng mở. Tất cả nhân viên làm việc chung ở một không gian có thể tăng khả năng trao đổi, hỗ trợ nhau, nhưng đồng thời sẽ khiến các nhà quản lý đau đầu trong công tác kiểm soát tiếng ồn.

Công ty nên thiết kế các khu vực riêng dành cho họp hành hay nhóm nhân viên thường xuyên phải giao tiếp qua điện thoại, như sales hay account. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc bố trí các phòng nghỉ, phòng ăn cách xa khu vực làm việc chính.

Nhiều lần, Phương Khanh phải mang laptop vào căng tin, nơi ám mùi đồ ăn, để làm việc vì đồng nghiệp bên cạnh nói quá to. Ảnh: Phương Lâm.

Chọn nội thất phù hợp: Nội thất cách âm là lựa chọn được nhiều doanh nghiệp tin dùng hiện nay, nhằm tạo ra một khu vực riêng cho nhân viên họp ngẫu hứng hoặc trao đổi công việc.

Sử dụng các thiết bị hấp thụ âm thanh: Cùng với việc sử dụng đồ nội thất cách âm, công ty nên lắp đặt thêm trần cách âm, vách ngăn. Chúng không chỉ giảm mức độ tiếng ồn trong văn phòng, mà còn kiểm soát độ vang của âm thanh.

Sàn nhà chống tiếng ồn: Trải thảm lên sàn bê tông là một trong những cách nhanh nhất để giảm thiểu đáng kể tiếng ồn văn phòng.

Một giải pháp thay thế khác là gạch vinyl, vốn rất phổ biến tại văn phòng vì có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, dễ lắp đặt, vệ sinh và bảo trì. Chất liệu này cũng bền hơn gỗ cứng và đá xi măng, nhưng hấp thụ âm thanh hiệu quả hơn so với các loại sàn cứng khác.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/van-phong-o-nhiem-vi-dong-nghiep-hat-ho-vang-tuc-lam-on-post1414418.html