Thời kỳ đỉnh dịch giữa năm 2021, Vietnam Airlines, Vietjet hay Bamboo Airways đều tháo dỡ ghế hành khách để chở hàng trên cabin khi các chuyến bay chở khách chưa được phép hoạt động.
88% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam được chi phối bởi các công ty lớn nước ngoài như DHL, FedEx và Cathay Pacific Cargo - theo báo cáo Vietnam Briefing.
Vận tải hàng không hứa hẹn sẽ trở thành lĩnh vực hấp dẫn với các doanh nghiệp nội địa khi có tới hai doanh nghiệp đang tính chuyện gia nhập ngành.
Dịch vụ Air Cargo trên thế giới
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), mỗi năm, tổng giá trị hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không đạt hơn 6.000 tỷ USD, chiếm khoảng 35% giá trị thương mại thế giới. Trong đại dịch Covid-19, vận tải hàng hóa chiếm 1/3 doanh thu của các hãng hàng không.
Hình thức vận chuyển này giúp giảm bớt các yêu cầu bảo quản, gia tăng mức độ bảo mật và giảm thiểu rủi ro hư hỏng sản phẩm. Do đó, có thể ứng dụng rộng rãi trong việc vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau.
IATA đã phân loại hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không thành hai nhóm chính: hàng hóa thông thường và hàng hóa đặc biệt.
Hàng hóa thông thường bao gồm hầu hết các mặt hàng tiêu dùng và bán lẻ (ngoại trừ điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay), hàng khô, phần cứng, hàng dệt may,...
Hàng hóa đặc biệt sẽ phải đảm bảo các yêu cầu về đóng gói, dán nhãn, tài liệu kèm theo, xử lý trong quá trình vận tải để được phép vận chuyển. Các mặt hàng bao gồm hàng nguy hiểm (chứa chất nổ, dễ cháy, độc hại…), động vật sống, hàng hóa dễ hư hỏng (trái cây, rau quả, hàng ướt, các sản phẩm nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ… Vaccine Covid là một ví dụ điển hình của nhóm hàng hóa đặc biệt.
Trong khi 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không giúp cắt giảm tối đa thời gian vận chuyển. Ví dụ, hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ bằng đường biển cần 20-30 ngày, rút ngắn xuống chỉ còn 3 ngày bằng đường hàng không.
Thị trường vận tải hàng không toàn cầu ước tính trị giá 270,3 tỷ USD vào năm 2021. Con số này được dự báo đạt 390,7 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng năm giai đoạn 2022-2027 là 5,8%, theo nghiên cứu của IMARC Group - công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong tháng 8 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi những biến động địa chính trị thế giới. Trong tháng 7, mức giảm tương ứng là 9%.
Giá cước vận chuyển hàng không tháng 8 trung bình 3,61 USD/kg, thay đổi tùy thuộc vào loại hàng hóa vận chuyển và chỗ trống trên chuyến bay. Giá đã tăng 4% so với cùng kỳ và tăng 113% so với năm 2019. Dù vậy, đây vẫn là mức giá thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Bắt đầu được chú ý tại thị trường Việt Nam
Theo IATA, lĩnh vực vận tải hàng không đã tạo ra hơn 2,2 triệu việc làm và đóng góp khoảng 12,5 tỷ USD vào GDP của Việt Nam. Là một trong những quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn nhất thế giới (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 bằng 1,7 lần GDP), Việt Nam là thị trường tiềm năng để khai thác và phát triển vận tải hàng hóa bằng đường hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2021, trong khi hoạt động vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, vận tải hàng hóa quốc tế vẫn chứng kiến mức tăng đột biến hơn 21,3% so với năm 2020.
6 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đạt 651 nghìn tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019.
5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines) đang khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách. Doanh thu từ vận tải hàng hóa đã cải thiện phần nào kết quả kinh doanh của các hãng hàng không trong mùa Covid.
Thậm chí, Vietnam Airlines và Vietjet đã thành lập các công ty con chuyên vận chuyển và giao nhận hàng hóa.
Gần đây, IPP Air Cargo công bố gia nhập ngành vận tải hàng không với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. IPP Air Cargo đang chờ được cấp phép để trở thành một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt.
IPP Air Cargo không phải doanh nghiệp đầu tiên bước chân vào thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. Năm 2008, hãng hàng không Trãi Thiên Air Cargo từng được cấp giấy phép chuyên chở hàng hóa nội địa và quốc tế nhưng đã bị rút giấy phép sau 3 năm không hoạt động.
Năm 2019, hãng hàng không Tín Nghĩa Express cũng được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không nhưng nhanh chóng giải thể sau 2 năm.
Một hãng bay khác cũng đang “nhăm nhe” đánh chiếm thị trường vận tải hàng không - Vietravel Airlines. Bắt đầu cất cánh từ cuối năm 2020, “tân binh” ngành hàng không vấp phải trở ngại lớn ngay khi vừa đi vào hoạt động.
Mới đây, Vietravel Airlines vừa ký kết hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG). Hãng bay này dự kiến mở dịch vụ chuyên chở hàng hóa ở châu Á vào tháng 11, sau khi hoàn tất việc thuê máy bay chuyên chở hàng hóa.
Việc các hãng hàng không cũ và mới chú ý hơn vào mảng vận tải hàng hóa cho thấy sức hút không thể phủ nhận của lĩnh vực kinh doanh “cũ người - mới ta” này tại Việt Nam.