Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi số liệu việc làm “nóng” hơn dự báo kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng giúp duy trì hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 29,9 USD/oz, tương đương giảm hơn 1,5%, còn 1.948,5 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco.
Tuy nhiên, nhờ những phiên tăng khá mạnh trước đó trong tuần, giá vàng vẫn tăng 1,3% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp, và là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 5, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 339.000 công việc mới, vượt xa mức tăng 190.000 công việc mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Báo cáo này đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp thị trường việc làm của Mỹ tăng trưởng dương.
Cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và tỷ giá đồng USD cùng tăng sau khi báo cáo việc làm được công bố. Điều này đặt vàng vào thế bất lợi, vì vàng vừa là tài sản không mang lãi suất, vừa được định giá bằng USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0,09 điểm phần trăm, đạt mức 3,698%. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,5%, chốt ở mức hơn 104 điểm, nhưng giảm gần 0,2% nếu tính cả tuần.
Vào đêm muộn ngày thứ Năm, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật nâng trần nợ, đưa dự luật này tới bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden. Trước đó, dự luật đã được Hạ viện thông qua vào ngày thứ Tư. Những bước tiến quan trọng này đưa nước Mỹ thoát khỏi một vụ vỡ nợ lịch sử ngay trước ngày 5/6 - ngày mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo là nước này có thể hết tiền.
Việc “quả bom” nợ của Mỹ được tháo ngòi khiến nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro giảm sút, sau khi nhu cầu này tăng mạnh thời gian gần đây trong bối cảnh Washington ngấp nghé bờ vực vỡ nợ.
Cho tới gần đây, số liệu việc làm mạnh vẫn gây áp lực lên thị trường chứng khoán vì củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì việc tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Điều này đặt ra sức ép mất giá đối với thị trường kim loại quý.
Tuy nhiên, báo cáo ngày thứ Sáu cũng cho thấy tiền lương bình quân theo giờ ở Mỹ đạt mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái ít hơn dự báo của các nhà phân tích, bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dự báo.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức 3,7%, từ mức thấp nhất 53 năm là 3,4% ghi nhận trong tháng 4. Nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng là số người tham gia lực lượng lao động tăng lên khi có nhiều người tìm kiếm việc làm hơn.
Cả hai dữ liệu này mang đến cho nhà đầu tư những tia hy vọng rằng Fed có thể tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào trung tuần tháng 6. Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 70% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 13-14/6.
“Việc các số liệu kinh tế không đồng nhất sẽ dẫn tới việc tự trung hoà khi Fed nhìn vào tình trạng của nền kinh tế để đưa ra quyết sách. Ở thời điểm này, các chỉ báo từ dữ liệu kinh tế cho thấy Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất”, trưởng phân tích Everett Millman của Gainesville Coins nhận định.
Phát biểu hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker, nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ không nên tăng lãi suất trong cuộc họp tới.
Giới phân tích cho rằng kỳ vọng Fed tạm dừng tăng lãi suất đã giúp giải toả bớt áp lực mất giá đối với vàng, tránh cho giá vàng một phiên giảm sâu hơn.
“Niềm lạc quan về triển vọng lãi suất đã bù lại một phần áp lực giảm đối với vàng do việc Mỹ đạt thoả thuận nâng trần nợ và tránh nguy cơ vỡ nợ”, nhà phân tích Rupert Rowling của công ty Kinesis Money viết trong một báo cáo.