Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 18/3, giá vàng thế giới đã vọt lên 1.988 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/3. Giới quan sát tin rằng kim loại quý sẽ tiếp tục leo cao và tiến tới ngưỡng 2.000 USD/ounce.
"Gần như chúng ta đều đoán trước được rằng điều này sẽ tới vào cuối tuần vì một loạt sự kiện đã xảy ra. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống, và giá vàng vượt mức cao nhất 9 tháng hồi tháng 2. Rõ ràng là các nhà đầu tư vẫn đang ở trong trạng thái 'phòng thủ'", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London (Anh) - bình luận với Zing.
Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn, tức hưởng lợi khi các thị trường có nhiều biến động. Lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống cũng sẽ cởi bỏ áp lực trên thị trường kim loại quý, vốn là tài sản phi rủi ro.
Vàng cũng thường biến động ngược chiều USD. Sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên có nghĩa là cần ít USD hơn để mua một ounce vàng.
Tiến tới mốc 2.000 USD/ounce
"Giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa sau khi vượt ngưỡng kháng cự 1.960 USD/ounce - mức cao nhất trong tháng 2. Kim loại quý đang hướng tới mốc 2.000 USD/ounce", ông Erlam nhận định.
Theo vị chuyên gia, đây là một ngưỡng tâm lý quan trọng. Việc vàng vượt mốc này là dấu hiệu cho thấy tâm lý sợ hãi vẫn bao trùm thị trường.
Lần cuối vàng được giao dịch trên ngưỡng này là hồi tháng 3 năm ngoái, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, làm dấy lên những lo ngại về bất ổn địa chính trị và khiến các thị trường chao đảo.
Sau đó, thị trường vàng đã bị đè nặng bởi các đợt tăng lãi suất điều hành dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những ngân hàng trung ương lớn khác.
Đà giảm của vàng được đảo ngược sau những bê bối mới nhất trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và trên toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 384,97 điểm, tương đương 1,19%, còn 31.861,98 điểm.
Chỉ số S&P 500 lao dốc 43,64 điểm, tương đương 1,1%, còn 3.916 điểm. Còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ sụt giảm 0,74%.
Cuộc họp chính sách tiếp theo
Theo ông Erlam, diễn biến tiếp theo của thị trường vàng sẽ phụ thuộc vào quyết định của Fed trong cuộc họp chính sách tháng 3.
Trước những bê bối mới nhất của các ngân hàng Mỹ, đa số nhà đầu tư đều tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Câu hỏi đặt ra là lãi suất sẽ tăng bao nhiêu, 25 hay 50 điểm cơ bản.
Nhưng tất cả đã thay đổi sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Ván cược của các nhà đầu tư giờ là Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, hay tăng nhẹ 0,25 điểm phần trăm. Nhiều người cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu quá trình cắt giảm vào cuối năm nay.
Giữa buổi sáng 10/3, SVB đã bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Đến ngày 15/3, cổ phiếu của Credit Suisse rớt thảm trong phiên sau khi Ngân hàng Trung ương Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - từ chối cung cấp thêm vốn cho nhà băng Thụy Sĩ này vì không muốn vi phạm quy định hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu.
Rắc rối của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, làm ăn với nhiều đối tác trên toàn cầu.
Nhưng thị trường vàng có thể bị đè nặng nếu Fed hành động "diều hâu" hơn dự báo của giới đầu tư. Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nóng. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 tháng.
Trong cuộc họp tháng 3, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, bất chấp những bất ổn mới đây trong lĩnh vực ngân hàng.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng tình trạng hỗn loạn trên thị trường trong thời gian qua không giống với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.