Trong phiên giao dịch ngày 17/4 (giờ Mỹ) trên sàn New York, giá vàng đã rớt mạnh xuống sát ngưỡng 1.980 USD/ounce, rồi đóng cửa ở mức 1.994 USD/ounce. Giá của mỗi ounce vàng giảm tới 9,2 USD so với cuối tuần trước.
Kim loại quý bị bán tháo vì 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhu cầu trú ẩn đã giảm bớt do cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng không nghiêm trọng như những gì các nhà đầu tư lo ngại trước đó.
Điều này dẫn tới nguyên nhân thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có thể quyết liệt trong việc tăng lãi suất để theo đuổi mục tiêu hạ nhiệt lạm phát.
Đây không phải tin vui với kim loại quý. Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không mang lại lợi suất. Kim loại quý cũng thường biến động ngược chiều USD.
Theo Trading Economics, USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã tiến sát ngưỡng 102 điểm. Chỉ số này tăng vọt sau khi rơi xuống 100,8 điểm, đánh dấu mức thấp nhất một năm vào cuối tuần trước.
Kết quả kinh doanh tốt hơn dự đoán của JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo - những nhà băng hàng đầu nước Mỹ - đã xoa dịu lo ngại về tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng trong thời gian qua.
Tháng trước, vàng hưởng lợi trực tiếp từ hàng loạt vụ sụp đổ ngân hàng. Bởi kim loại quý được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn biến động của nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Nhưng theo báo cáo tài chính quý đầu tiên của năm, JPMorgan - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 52%. Trong khi đó, Citigroup - nhà băng lớn thứ 3 - lãi 4,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Charles Scharf - Giám đốc điều hành Wells Fargo, ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ - cũng khẳng định "phần lớn các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn vững mạnh". Theo dữ liệu của Fed, trong tuần kết thúc vào ngày 5/4, tổng tiền gửi tại những ngân hàng thương mại ở Mỹ đã tăng lên 17.430 tỷ USD.
Trước đó, sự sụp đổ liên tiếp của Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 tại Mỹ và Signature Bank đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lan rộng trong ngành ngân hàng. Điều này có thể buộc Fed phải bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất. Tuy vậy, ngày càng nhiều nhà đầu tư đặt cược vào kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 25 điểm cơ bản là 86,1%, tăng từ mức 72,9% của một tuần trước đó (ngày 11/4).
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất dựa trên định giá của thị trường là 13,9%, giảm từ mức 27,1% của thứ ba tuần trước.
"Giá vàng lao dốc vì doanh số bán lẻ cốt lõi tại Mỹ sụt giảm ít hơn dự kiến trong tháng 3. Cùng với đó là những bình luận 'diều hâu' từ phía Fed. Điều này có thể làm tăng nguy cơ Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sau cuộc họp tháng 5, và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - giải thích với Zing.
Mới đây, ông Christopher Waller - Thống đốc Fed - khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ vẫn "chưa đạt được nhiều tiến bộ" trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tăng lãi suất điều hành lên cao hơn nữa.