Giá vàng thế giới đã điều chỉnh giảm sau khi xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce. Theo dữ liệu của Kitco.com, kim loại quý đóng cửa phiên 20/3 trên sàn New York ở mức giá 1.978 USD/ounce, giảm 10,9 USD/ounce so với phiên liền trước.
Thị trường vàng trồi sụt theo những biến động của ngành ngân hàng toàn cầu trong vài tuần qua. Các nhà đầu tư đang đánh giá tác động từ việc UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - tiếp quản đối thủ Credit Suisse và những động thái khẩn cấp từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ đưa ra quyết định chính sách quan trọng trong cuộc họp tuần này.
Triển vọng bấp bênh
Các thị trường trên toàn cầu rung lắc sau thỏa thuận giữa 2 ngân hàng Thụy Sĩ. Việc 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse bốc hơi hoàn toàn làm dấy lên lo ngại đối với những tài sản rủi ro tương tự trên toàn cầu.
Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã rơi xuống dưới 73 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 do những lo ngại về khủng hoảng ngành ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhằm đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu, Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cùng các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ đã công bố những nỗ lực phối hợp nhằm tăng tính thanh khoản của USD thông qua các thỏa thuận hoán đổi.
Hôm qua, theo dữ liệu của Trading Economics, giá vàng thế giới đã xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce khi dòng tiền đổ về những nơi trú ẩn an toàn.
"Rõ ràng là các nhà đầu tư vẫn đang ở trong trạng thái 'phòng thủ'", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London (Anh) - bình luận với Zing. Điều này đẩy giá vàng vượt ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce.
Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn, tức hưởng lợi khi các thị trường có nhiều biến động. Lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống cũng sẽ cởi bỏ áp lực trên thị trường kim loại quý, vốn là tài sản phi rủi ro.
Vàng cũng thường biến động ngược chiều USD. Sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên có nghĩa là cần ít USD hơn để mua một ounce vàng.
Sự chú ý hướng vào Fed
Giá vàng hiện đã điều chỉnh giảm, nhưng các nhà đầu tư tin rằng biến động trên thị trường kim loại quý sẽ phụ thuộc vào quyết định của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FMOC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - trong cuộc họp tiếp theo.
Đa số nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ giữ nguyên tốc độ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm do tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng thời gian qua. Các đợt tăng lãi suất dồn dập được cho là nguồn cơn của khủng hoảng Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, nhà băng lớn thứ 2 phá sản của nước này.
Trước đó, các dữ liệu nóng của Mỹ cho thấy khả năng cao Fed phải trở lại bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm vì lạm phát có dấu hiệu leo thang trở lại. Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm.
Theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ vẫn tăng 0,2% trong tháng 2. Mức tăng so với một năm trước đó là 6%.
"Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng đang run rẩy, Fed vẫn ưu tiên ổn định giá cả hơn tăng trưởng", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial - nhận định.