Giá vàng thế giới tăng nhẹ khi tỷ giá đồng USD đi xuống sau một số liệu thống kê yếu hơn dự báo về kinh tế Mỹ. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/7) duy trì ổn định ở vùng 67 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 11h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,98 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 130.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long có giá 55,48 triệu đồng/lượng và 56,33 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra, giảm 160.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 100.000 đồng/lượng và đi ngang so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco là 1.924,6 USD/oz, tăng 1,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 55,3 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua, nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Mức tăng mạnh của giá vàng thế giới quy đổi sáng nay chủ yếu do tỷ giá USD/VND tăng vọt. Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.500 đồng (mua vào) và 23.840 đồng (bán ra), tăng 90 đồng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 11,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 12-12,1 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Phiên ngày thứ Hai tại New York, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD/oz, chốt ở 1.922,7 USD/oz.
Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 thấp hơn một chút so với kỳ vọng của giới phân tích. Chỉ số được đưa ra ở mức dưới 50 điểm, một tín hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế đang suy yếu.
Số liệu này dấy lên hoài nghi về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn. Nếu nền kinh tế Mỹ giảm tốc nhanh hoặc rơi vào suy thoái, Fed có thể sớm xoay trục - một động thái mà giá vàng sẽ hưởng lợi vì vàng là tài sản không mang lãi suất.
Ngoài ra, dữ liệu trên cũng khiến đồng USD xuống giá, tạo thêm lực hỗ trợ cho giá vàng - một tài sản định giá bằng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index đã vượt mốc 103 điểm, từ mức 102,9 điểm chốt tuần trước.
“Giá vàng có vẻ đã tìm được sự ổn định quanh ngưỡng 1.900 USD/oz”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định. “Tuần trước, thị trường vàng có vẻ lo lắng về việc Fed tăng lãi thêm nữa, nhưng các số liệu kinh tế từ giờ trở đi có thể cho thấy điều đó không xảy ra. Biết đâu Fed chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa mà thôi”.
Trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, chênh lệch giữa lợi suất của kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981, phản ánh mối lo rằng chu kỳ tăng lãi suất kéo dài của Fed sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Hồi tháng 5, thị trường lãi suất tương lai còn phản ánh khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Hiện tại, thị trường đang cho rằng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 1/2023.
Theo ông Sean Lusk, đồng giám đốc của Walsh Trading, với nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh, xu hướng bán vàng có thể sắp kết thúc. “Nhưng quan trọng là vàng phải giữ được vùng giá hiện nay. Vàng cần đạt mốc 1.966 USD/oz để chuyển sang xu hướng tăng giá”, ông nói.
Cũng theo ông Lusk, kim loại quý sẽ chỉ tăng cao hơn một khi thị trường chứng khoán Mỹ đảo ngược đà tăng. Ông nói: “Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, nhu cầu vàng sẽ ít hơn. Các đợt phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ làm tăng lạm phát và điều đó sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất, và đồng USD rốt cục hưởng lợi trong việc này”.
“Nếu vàng giảm xuống dưới 1.900 USD/oz, các nhà đầu tư nên chú ý đến mức 1.850-1.814 USD/oz. Nếu vùng giá đó không giữ được thì việc giảm xuống còn 1.720 USD/oz là có thể xảy ra. Đó là một kịch bản thị trường đầu cơ giá xuống”, ông Lusk nhận định.