Cuối tháng 4 tại Vương Phủ Tỉnh - con phố nổi tiếng về ăn chơi mua sắm lớn nhất của Bắc Kinh - chỉ có ba hoặc bốn khách mua lướt qua các gian hàng bán đồ trang sức. Tất cả đều rời đi mà không mua được bất cứ thứ gì.
Người phụ nữ 50 tuổi vừa ra khỏi quầy hàng trang sức nói với Reuters: “Tôi chỉ xem qua thôi, không mua ngay được vì giá quá cao". Người phụ nữ này cho biết có thể cân nhắc tới việc xuống tiền mua nếu giá vàng giảm xuống mức 300-400 nhân dân tệ/gram, so với mức giá quá cao ở thời điểm hiện tại là gần 600 NDT/gram (khoảng 87 USD/gram).
Không chỉ người phụ nữ này mà nhiều người mua sắm khác cũng phàn nàn về mức giá quá cao của kim loại quý. Cảnh ra về trắng tay mà không mua được gì diễn ra phổ biến hơn tại các cửa hàng bán vàng ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Nhu cầu suy yếu vì giá quá cao
Việc giá vàng vừa chạm ngưỡng kỷ lục sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nhà đầu tư tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, khiến giá vàng ngày càng tăng cao.
Những người mua hàng nhỏ lẻ đang cố gắng tránh xa mặt hàng vàng nhẫn, hoa tai và dây chuyền vì đây đều là những thứ đang giá tăng theo đà của giá vàng thế giới.
Giá vàng toàn cầu có thời điểm đã tăng lên mốc 2.072,19 USD/ounce trong phiên giao dịch gần nhất, cao hơn cả mức kỷ lục được thiết lập vào ngày 7/8/2020 là 2.070 USD/ounce. Tại Ấn Độ, giá vàng nội địa cũng tăng vọt lên mức kỷ lục 61.490 rupee/10 gram (khoảng 752 USD).
Theo ông Debajit Saha, nhà phân tích tại Refinitiv Metals Research, lượng tích trữ và đầu tư vàng miếng, vàng trang sức ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 48% tổng lượng bán lẻ toàn cầu vào năm 2022, khiến các nhà sản xuất kim loại quý rất để tâm vào hai quốc gia này.
“Dù người mua vàng tại Trung Quốc tỏ ra không mấy nản lòng trước mức giá cao của kim loại quý được ghi nhận trong quý I, chúng tôi dự đoán nhu cầu mua sẽ bắt đầu có dấu hiệu chậm lại trong quý II”, vị chuyên gia nhận định.
Được mệnh danh “làng trang sức số 1 Trung Quốc”, Shuibei, tọa lạc tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, nắm giữ hơn 70% lượng trang sức đưa ra thị trường mỗi năm. Michael Lee, nhà thiết kế làm việc trong Shuibei, cho biết sau đợt mua hàng ồ ạt vào đầu năm nay, nhu cầu mua sắm trang sức bằng vàng tại đây đã giảm một phần do giá tăng quá cao.
Còn theo bà Yiyi Gao, nhà phân tích cấp cao của Metal Focus, cho biết phản hồi từ các doanh nghiệp và chi nhánh bán vàng ở Thâm Quyến cho thấy nhu cầu mua vàng tiếp tục suy yếu trong giai đoạn này, thời điểm đáng nhẽ ra phải ghi nhận lượng giao dịch tăng đáng kể.
Bà Gao cho biết thêm, các nhà bán lẻ đang hy vọng giá vàng sẽ được điều chỉnh để phục hồi nhu cầu mua sắm của người dân.
Trao đổi thay vì mua mới
Ông Kothari của IBJA cho biết tại Ấn Độ, nhu cầu mua vàng đã giảm từ 30% đến 40% so với bình thường do sức ép từ việc tăng giá và lãi suất ngân hàng cao hơn.
Ấn Độ gần đây đã tổ chức lễ hội Akshaya Tritiya, lễ hội mua vàng lớn thứ hai sau Dhanteras, nhưng vẫn không thể khơi dậy hứng thú sắm vàng của người dân.
Người đứng đầu của một ngân hàng nhập khẩu vàng có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ cho biết nhu cầu mua vàng của các cặp đôi trong mùa cưới năm nay cũng yếu đi.
Người tiêu dùng Ấn Độ không thể mua một lượng lớn đồ trang sức mới cho ngày quan trọng nhất cuộc đời, điều mà họ vẫn thường làm trước đây, chỉ vì giá tăng cao hơn. Mọi người có xu hướng trao đổi đồ trang sức cũ, dẫn đến tình trạng nhập khẩu vàng sụt giảm và hiện chỉ ở mức thấp.
Nhưng có thể có một sự bứt phá mới, tín hiệu gia tăng trong việc mua đồ trang sức trong các lễ hội vào cuối năm nay.
Ông Amit Modak, Giám đốc điều hành của công ty kim hoàn PN Gadgil & Sons ở thành phố Pune, Ấn Độ cho biết: “Một khi người tiêu dùng nhận ra và chấp nhận rằng giá vàng hiện đã tăng và đang duy trì ở mức trên 60.000 rupee/10 gram, họ sẽ bắt đầu mua vàng trở lại”.