Thị trường vàng thế giới vừa trải qua phiên giao dịch tiêu cực nhất từ đầu năm 2022 khi giảm một mạch 47,5 USD /ounce chỉ sau ít giờ giao dịch.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn New York phiên 5/7 (đêm qua theo giờ Việt Nam) mở cửa ở mức 1.813 USD /ounce, nhưng chỉ sau 2 giờ giao dịch, giá mặt hàng này đã lao dốc thẳng đứng xuống vùng dưới 1.770 USD và đóng cửa ở 1.765,5 USD /ounce.
Biến động này tương đương với việc giá kim loại quý đã giảm ròng hơn 2,6% trong phiên đêm qua. Đà giảm này không chỉ cuốn bay toàn bộ mức tăng của kim quý một tháng qua mà còn đưa giá vàng xuống vùng thấp nhất kể từ cuối năm 2021.
Nếu so với đỉnh giá ghi nhận vào trung tuần tháng 3 ( 2.078 USD /ounce), giá kim quý thế giới hiện thấp hơn tới 15%, tương đương mức giảm hơn 310 USD /ounce.
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, đà giảm mạnh của vàng vật chất phiên 5/7 vừa qua là hậu quả trực tiếp từ việc đồng USD tăng giá mạnh.
Theo đó, chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng 1,34% trong phiên đêm qua, hiện cố định ở mức trên 106,3 điểm. Xét trên biểu đồ ngày, chỉ số sức mạnh đồng USD đã duy trì đà tăng 2 năm liên tiếp và tăng mạnh từ tháng 3 đến nay. Đây là thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và cũng là thời điểm giá vàng bắt đầu suy yếu từ đỉnh 2.078 USD /ounce.
Kể từ đợt tăng lãi suất 0,25 điểm % vào tháng 3, FED đã tăng lãi suất từ 0-0,25% lên 1,5-1,75% hiện tại. Các chuyên gia cũng dự báo FED sẽ tiếp tục nâng 0,75 điểm % lãi suất vào cuối tháng này.
Đây chính là nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá và tác động tiêu cực lên giá vàng.
Trước bối cảnh tiêu cực của giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước sáng nay (6/7) cũng chịu xu hướng giảm mạnh với cả mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 67,9 - 68,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, mức biến động này chỉ tương đương 0,43% giá trị của vàng miếng, thấp hơn nhiều so với mức giảm của thế giới.
Với mặt hàng vàng nhẫn SJC 99,99%, giá bán ra sáng nay cũng giảm nửa triệu đồng/lượng, từ mức 54,1 triệu/lượng xuống 53,6 triệu đồng. Giá mua vào hiện phổ biến ở mức 52,65 triệu/lượng, cũng giảm tương ứng 500.000 đồng.
Như vậy, giá vàng nhẫn SJC loại 99,99% sáng nay đã giảm khoảng 0,92% giá trị, cao gấp đôi mức giảm của vàng miếng.
Cũng ghi nhận xu hướng tương tự, giá vàng miếng do Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán sáng nay chỉ giảm 100.000 đồng, hiện cố định ở mức 68,7 triệu/lượng. Trong bối cảnh vàng thế giới lao dốc, PNJ thậm chí còn tăng giá mua vào vàng miếng lên 68,1 triệu/lượng, cao hơn 100.000 đồng so với ngày 5/7.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn cùng hầu hết mặt hàng vàng trang sức khác tại PNJ đều ghi nhận xu hướng giảm mạnh.
Trong đó, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác sáng nay đã giảm 500.000 đồng ở cả hai chiều, hiện được chấp nhận mua vào ở mức 52,4 triệu/lượng và bán ra ở 53,5 triệu đồng.
Đáng chú ý, phiên giảm sáng nay đã đưa giá mặt hàng này giảm xuống vùng thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Tương tự, hầu hết mặt hàng vàng nữ trang loại 24K, 18K, 14K tại đây đều ghi nhận đà giảm trong phiên sáng nay.
Cũng trong sáng nay, giá vàng trang sức bán ra tại hầu hết doanh nghiệp như Tập đoàn DOJI; Bảo Tín Minh Châu; Tập đoàn Phú Quý; Vàng Mi Hồng… đều ghi nhận mức giảm mạnh hơn so với vàng miếng.
Trong đó, giá bán ra vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp này vẫn duy trì ở vùng trên dưới 68,5 triệu/lượng, trong khi giá vàng trang sức đã giảm về vùng 53,5 triệu/lượng.