Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu (8/7), nhưng giảm mạnh trong tuần này do đồng USD mạnh lên nhiều và do nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Giá vàng miếng trong nước cũng có một tuần đi xuống, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới vượt 19 triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 2,8 USD/oz, tương đương tăng gần 0,2%, chốt ở 1.743,6 USD/oz. Cả tuần, giá vàng tụt gần 3,3%.
Vàng khó phát huy tốt vai trò kênh đầu tư an toàn cho dù giới đầu tư thời gian gần đây lo lắng nhiều về khả năng kinh tế Mỹ, thậm chí là kinh tế toàn cầu, rơi vào suy thoái. Thay vào đó, nhà đầu tư lựa chọn đồng USD như một “vịnh tránh bão”, khiến chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng lên mức cao nhất 2 thập kỷ.
Dollar Index chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 106,9 điểm, tăng gần 1,7% trong tuần này và tăng hơn 2,6% trong 1 tháng trở lại đây. Trong tuần, có lúc chỉ số lên gần 107,7 điểm, cao nhất kể từ năm 2002.
Trong phiên thứ Sáu, Dollar Index giảm hơn 0,2%, giúp giá vàng hồi nhẹ. Một phiên phục hồi tốt hơn đã không thể diễn ra vì báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến củng cố khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 372.000 công việc mới trong tháng 6, tốt hơn nhiều so với mức dự báo 250.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Bản báo cáo là sự tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường lao động Mỹ trong năm nay, đồng thời là nhân tố làm mạnh thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất với những bước nhảy rộng để chống lạm phát. Khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 này gần như đã chắc chắn.
“Báo cáo việc làm đã ghìm giá vàng lại, trong lúc giá vàng vốn dĩ đã chật vật vì đồng USD mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số nhà đầu tư đang nhảy vào bắt đáy vàng”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures nhận định.
Dù giá vàng khó bứt phá, nhiều chuyên gia cũng cho rằng giá vàng khó giảm sâu hơn vì ít nhiều kim loại quý này vẫn được hỗ trợ bởi mối lo suy thoái kinh tế.
“Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ chứng kiến giá vàng được nâng đỡ bởi rủi ro suy thoái. Sau đợt điều chỉnh gần đây, giá vàng sẽ đi vào tích luỹ”, chuyên gia Carsten Menke của bộ phận nghiên cứu Next Generation Research thuộc Julius Baer phát biểu. “Tuy nhiên, một đợt phục hồi kéo dài là điều khó xảy ra, xét tới việc Fed khó có thể chống được lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế”.
Trên thị trường vàng vật chất, nhu cầu vàng ở Ấn Độ tăng nhẹ tuần này do giá bán lẻ vàng trong nước giảm. Ở Trung Quốc, dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động giao dịch vàng vật chất trầm lắng.
Giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ tuần này thấp hơn 28 USD/oz so với giá chính thức, tính bằng giá vàng quốc tế cộng thuế nhập khẩu 15% và thuế tiêu thụ 3%, từ chỗ thấp hơn 40 USD/oz trong tuần trước. Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ tuần này thấp hơn 3-5 USD/oz so với giá quốc tế.
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (9/7) thấp hơn 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,95 triệu đồng/lượng và 52,65 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,95 triệu đồng/lượng và 68,55 triệu đồng/lượng.
Giá USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank chốt tuần ở mức 23.220 đồng (mua vào) và 23.500 đồng (bán ra), tăng 60 đồng trong cả tuần.
Với tỷ giá USD như trên, giá vàng thế giới hiện tương đương 49,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ 19,2 triệu đồng/lượng. Cuối tuần trước, chênh lệch là 17,6 triệu đồng/lượng.