Gọi vào đường dây nóng của một siêu thị điện máy lớn, phải đến cuộc gọi thứ hai, phóng viên của Zing mới được bắt máy. Tuy nhiên, khác với thái độ niềm nở thường lệ, nhân viên của siêu thị này tỏ ra khá bận rộn và trả lời tương đối ngắn gọn.
"Không bạn ơi, giờ bên mình không thể sửa ngay máy lạnh được đâu, thợ bận hết rồi, ít nhất cũng phải sáng mai, có gì bên mình sẽ liên hệ lại", tổng đài viên đáp lại trong vội vã.
Giá sửa chữa tăng cao, người dùng bức xúc
Zing liên hệ đến 2-3 đơn vị cung cấp dịch vụ bảo dưỡng điều hòa khác, câu trả lời cũng tương tự. Không chỉ tại các siêu thị điện máy, mà các cửa hàng bán hoặc sửa chữa đều rơi vào tình trạng quá tải. Tình trạng này kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay.
Chị Thu Hằng (quận 7, TP.HCM) cho biết tuần trước chị có gọi thợ để sửa máy lạnh khi hoạt động quá ồn và nhận được lời hứa là đầu tuần sẽ cho nhân viên đến sửa. Tuy nhiên, đến nay chị vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào từ cửa hàng.
Thợ chưa tới nhưng nhận được báo giá, chị Hằng không khỏi giật mình. “Bình thường tôi sẽ không bỏ ra 1 triệu đồng chỉ để sửa lỗi này đâu, nhưng xui là máy lạnh lại hư vào đúng thời điểm này, nên đành phải chấp nhận, đang mùa cao điểm mà”, chị Hằng chia sẻ.
Hàng xóm của chị Thu Hằng là chị Thanh Nhã cũng có chung nỗi bức xúc về việc bị “đội giá” sửa chữa điều hoà trong những ngày này. “Chỉ có bơm gas thôi mà đã 520.000 đồng rồi đó em, mà lại còn gọi đi gọi lại cả tuần nay người ta mới chịu tới sửa, chị dọn nhà lên Đà Lạt ở luôn cho rồi”, chị Nhã bất bình.
Nhiều khách hàng có nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa cho hay họ vẫn phải chấp nhận mức phí cao hơn ngày thường vì trong mùa nóng, không một thiết bị nào có chức năng làm mát thay thế được điều hoà.
"Máy lạnh hỏng những ngày này thì rất khó chịu, quạt điện không thể nào thay được. Chờ thợ thêm một ngày tôi lo nhiều thành viên trong gia đình sinh bệnh vì nóng", anh T. Tuấn (TP. Thủ Đức) nói.
Thợ thu nhập cao, than vất vả
Tuy kiếm được thu nhập cao, có khi tiền cả năm dồn cả vào vài tháng này, nhưng anh Vũ Sơn (quận 9, TP.HCM), một thợ sửa điều hoà lâu năm, cũng cho rằng mình có những vất vả riêng.
"Sáng nào tôi cũng dậy lúc 6h, kết thúc công việc lúc 22h, tay chân làm không ngơi nghỉ, ăn uống không đủ bữa, tôi gọi thêm nhiều người quen lên để làm phụ mà vẫn không kịp. Bị khách lạ trách không nói, đằng này tôi bị nhiều khách quen bỏ đi vì tưởng tôi chảnh", anh Sơn cho biết.
Thợ sửa điều hòa này cũng chia sẻ nhờ tần suất công việc dày đặc, việc kiếm đến 100 triệu đồng mỗi tháng vào mùa cao điểm không phải là điều quá xa vời.
Cụ thể, công việc mỗi ngày của anh là lắp và sửa chữa máy lạnh, trung bình tiền công là 500.000 đồng, chưa kể tiền thay vật tư, giá dao động từ 300.000-400.000 nghìn đồng, tương đương mỗi khách anh thu khoảng gần 1 triệu đồng. Mỗi ngày anh thường lắp khoảng 6-7 máy lạnh, nên thu nhập trong tháng cao điểm có thể lên đến 100 triệu đồng.
Một người thợ sửa điều hoà khác là anh Thành Nhân (quận 4, TP. HCM) cũng cho biết tần suất công việc trong những ngày gần đây của mình tăng đột biến. Thu nhập tăng cao, nhưng anh cũng phải chấp nhận làm việc không nghỉ giữa thời tiết nóng bức.
“Vì nhu cầu của khách đột ngột tăng cao, nên giá sửa chữa tăng lên cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi không phải sửa xong rồi mới báo giá cho khách, mà lúc nào cũng báo trước, khách đồng ý rồi mới làm, tôi mong khách thông cảm và đừng nói những lời khó nghe như lừa đảo, cắt cổ", anh Nhân giãi bày.
Ông Quốc Nam, chủ một cửa hàng điện lạnh ở quận 7, TP.HCM cho biết, trong tháng 6, 3 người thợ của ông có thể lắp được tầm 15-20 chiếc điều hoà. Ngoài tiền sửa chữa, các nhân viên của ông có thể được khách trả thêm vài trăm nghìn đồng tiền vật tư và tiền công, nên thu nhập cao là bình thường.
Ông Nam nhấn mạnh, thành phố mới chỉ mở cửa lại sau đại dịch nên cửa hàng cũng đang tuyển thêm thợ điện lạnh. Tuy nhiên việc tuyển người đang không theo kịp nhu cầu tăng nhanh của khách nên cửa hàng đang quá tải trong mùa cao điểm.
Chia sẻ với Zing, đại diện của Tận Tâm, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa điện lạnh cũng cho biết lượng đặt dịch vụ sửa chữa điều hòa mà doanh nghiệp nhận được trong 2 tuần đầu tháng 6 đã tăng 50% so với cùng kỳ tháng 5.