Chiều ngày 19/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông tin về gói tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thuỷ sản.
Theo NHNN, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến Lâm sản và Thủy sản”; trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản đăng ký tham gia của các Ngân hàng thương mại; ngày 14/7/2023, NHNN đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản.
Theo đó, từ nay đến hết 30/06/2024, các khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Tính đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng 15.000 tỷ, gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.
Như vậy, khách hàng thuộc lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ gói 15.000 tỷ có thể đến trực tiếp các ngân hàng nói trên để làm thủ tục vay vốn.
Được biết ngoài giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước còn giao các ngân hàng miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Còn theo khảo sát của chúng tôi, lãi suất cho vay có tài sản đảm bảo ở các ngân hàng hiện phổ biến dao động từ 8,5%/năm đến 13%/năm đối với các kỳ hạn trung và dài hạn (12 tháng trở lên), trong đó vay ở các ngân hàng thương mại nhà nước có lãi rẻ hơn các ngân hàng tư nhân.
Một số ngân hàng có chính sách ưu đãi lãi suất thì có thể vay với chi phí lãi thấp hơn, khoảng 7 - 8%/năm nhưng chỉ ở kỳ hạn ngắn hoặc áp dụng ở một số tháng đầu của chu kỳ vay. Dẫu còn cao song so với đầu năm, mặt bằng lãi suất hiện cũng giảm đáng kể, khoảng 1 - 1,5%/năm.