Chứng khoán VCBS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm với điểm nhấn VN-Index sẽ đi lên theo hình zig zag.
Không nên kỳ vọng lãi như giai đoạn 2020-2021
Nhìn tổng thể giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã dần thích nghi với những khó khăn và thách thức do sự sụt giảm nhu cầu và đơn hàng từ các đối tác thương mại lớn trên thế giới dựa trên các định hướng điều hành vĩ mô của chính phủ.
Cụ thể, một mặt chính phủ tiếp tục quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, mặt khác Ngân hàng nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của khối ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có những động thái nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản - nhóm ngành có tính lan tỏa lớn trong nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng là một trong những nhóm gặp nhiều khó khăn nhất trong thời gian qua - thông qua việc giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng về thủ tục pháp lý.
Nếu các chính sách này tiếp tục được duy trì thực hiện có hiệu quả trong phần còn lại của năm nay, tác động đến nền kinh tế, sẽ là giúp đẩy nhanh vòng quay tiền cũng như hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn - đặc biệt là với các nhóm đối tượng đang gặp khó khăn về thanh khoản trong thời gian qua.
Tóm lại, dù Việt Nam vẫn khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cho thấy những tín hiệu tương đối tích cực trong việc thích nghi với bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại, và nhìn về dài hạn thì Việt Nam chứa đựng nhiều lợi thế riêng, có tiềm năng rất lớn thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.
Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ giữa tháng 11/2022 cho đến hiện tại đã phần nào phản ánh những kỳ vọng nói trên, và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì diễn biến zig zag đi lên trong phần còn lại của năm 2023.
Cụ thể, VCBS tiếp tục giữ nguyên dự báo về mức đỉnh của chỉ số VN-Indextrong năm 2023 là khoảng 1.180 điểm, tương ứng thấp hơn ~22% so với mức đỉnh của năm 2022.
Về thanh khoản thị trường, dự báo khối lượng giao dịch bình quân phiên có thể đạt khoảng 750 - 800 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn cho cả năm 2023, tương ứng giảm 5-10%. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng được kỳ vọng giảm 33%-40% so với năm 2022, tương ứng đạt khoảng 13.000 – 15.000 tỷ đồng mỗi phiên trên cả ba sàn.
Năm nhóm ngành đáng chú ý
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý nhất dòng tiền đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán từ cả nhà đầu tư nội và ngoại đều hạn chế hơn.
Vì vậy, theo VCBS, nhà đầu tư nên kỳ vọng mức lợi nhuận thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021 và nên sẵn sàng chốt lời sau thời gian nắm giữ ngắn hơn để tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn, tăng giảm đan xen của thị trường.
Một số nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới có thể là: Thứ nhất, các cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong nửa đầu năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023. Những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp hơn nhưng vẫn đem lại mức lợi nhuận có thể chấp nhận được trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Thứ hai, đối mặt với sự đảo chiều của chu kỳ ngành cũng như bối cảnh chung còn nhiều thách thức của nền kinh tế, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã ghi nhận mặt bằng giá cổ phiếu được chiết khấu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán kể từ vùng đỉnh 1.500 điểm của VN-Index.
Nhịp hồi phục của các cổ phiếu thuộc nhóm này trên thị trường chứng khoán kể từ đầu Q2/2023 nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay, phần nào phản ánh kỳ vọng của thị trường vào những động thái hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nói chung từ phía chính phủ.
Thứ ba, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường thuộc nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,…
Cuối cùng, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỉ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.