Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tổng hợp các ý kiến từ doanh nghiệp.
Theo đó, liên quan đến việc thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai đang thiết kế hai cơ chế thiết lập quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Thứ nhất, Nhà nước thu hồi đất để tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở.
Thứ hai, nhà đầu tư thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn. Trường hợp này Nhà nước không thu hồi đất.
"Về quy định này, các doanh nghiệp cho rằng đối với các dự án nhà ở thương mại, đô thị, nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất là không khả thi và khiến dự án gặp nhiều khó khăn để thực hiện", VCCI cho biết.
Bởi theo cơ quan này, trong nhiều trường hợp, việc giải phóng mặt bằng sẽ bị “ách tắc” chỉ vì một hoặc một ít hộ dân không chịu thỏa thuận hoặc yêu cầu mức giá quá cao. Trên thực tế doanh nghiệp không thể đàm phán, thỏa thuận với hàng nghìn người dân trong một dự án lớn.
"Để có thể triển khai được dự án, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong thu hồi đất", VCCI nhấn mạnh.
Theo đó, cơ quan này đề xuất thiết kế cơ chế có sự can thiệp của Nhà nước vào việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất (có thể đặt ra tỷ lệ phần trăm đất không thể thỏa thuận được mà Nhà nước phải can thiệp).
Ngoài ra, VCCI cho rằng việc Dự thảo phân tách Nhà nước thu hồi đất dựa vào tính chất của đất (đất không phải là đất ở) dường như chưa phù hợp. Bởi có trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các loại đất không phải là đất ở và các đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở nhưng lại không thể thực hiện dự án vì theo quy định đất đó phải có một phần là “đất ở”.
Chính vì vậy, VCCI cũng đề xuất bỏ cụm từ “sử dụng các loại đất không phải là đất ở” và “đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất”.
Thực tế, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề trọng tâm nhận được nhiều góp ý.
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn cầu đề nghị cần thống nhất đền bù thỏa đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định, đảm bảo cho đời sống của người dân không bị thua thiệt.
"Nhưng cần làm rõ giá đền bù phải được thực hiện theo đúng phương án giá đền bù đã được phê duyệt, không thể thực hiện bằng phương pháp tự thỏa thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư. Doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận với người dân về giải phóng mặt bằng", ông nói.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu việc thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng, Nhà nước.
“Nhưng người dân sẽ không chấp nhận thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, trong khi áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt, tạo kẽ hở cho trục lợi, lợi ích nhóm”, ông Tám nói.
Vị đại biểu góp ý nên tiếp cận vấn đề theo hướng với các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận.