Ghi nhận trong báo cáo vĩ mô tháng 7, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong tháng 6 vừa qua, tiền Đồng tiếp tục mất giá thêm 0,4% so với tiền USD. Dù thấp hơn so với mức giảm 1% trong tháng 5 liền trước, tính từ đầu năm đến nay, tiền Đồng đã mất giá khoảng 2% so với đồng bạc xanh.
Để kìm hãm sự mất giá của tiền Đồng, VDSC ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 12- 13 tỷ USD từ đầu năm, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1.
Với tỷ giá bình quân từ đầu năm đến nay vào khoảng 23.000 đồng/USD, việc bơm ra thị trường lượng lớn ngoại tệ kể trên tương đương cơ quan quản lý tiền tệ đã rút khoảng 276.000- 300.000 tỷ đồng khỏi thị trường từ đầu năm qua kênh bán ngoại tệ.
Đáng chú ý, trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng ngày 24/6, VDSC ước tính lượng ngoại tệ NHNN bán ra từ đầu năm mới đạt hơn 10 tỷ USD . Như vậy, chỉ trong nửa tháng gần nhất, đã có khoảng 2- 3 tỷ USD được NHNN bơm ra thị trường với mục tiêu ổn định tỷ giá.
Động thái tăng tốc bơm tiền USD ra thị trường này của NHNN diễn ra cùng chiều với việc tăng khối lượng tiền VNĐ rút về thông qua kênh tín phiếu.
Cụ thể, từ đầu tháng 6, NHNN đã khởi động lại kênh hút tiền Đồng thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu. Trong tuần gần nhất (4-8/7), cơ quan này đã rút về gần 100.000 tỷ đồng , nâng tổng số tiền Đồng bị rút thông qua kênh tín phiếu từ ngày 21/6 đến nay lên khoảng 277.000 tỷ.
Bất chấp việc NHNN liên tục hút ròng khối lượng tiền VNĐ qua kênh bán ngoại tệ và thị trường mở, chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ trên thị trường liên ngân hàng vẫn liên tục gia tăng. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu nắm giữ đồng USD trong hệ thống vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực tế, tỷ giá USD/VNĐ trên kênh ngân hàng thương mại đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay và tăng vọt trong 2 tháng gần nhất. Trong tuần vừa qua, giá bán USD tại hầu hết ngân hàng đã vượt mức 23.500 đồng/USD và chỉ hạ nhiệt từ đầu tuần này, sau khi NHNN can thiệp mạnh tay hơn vào thị trường tiền tệ.
Theo VDSC, trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ là dự trữ ngoại hối và tín phiếu hút tiền Đồng trên thị trường mở để tác động lên thanh khoản hệ thống ngân hàng, từ đó kiềm chế áp lực tỷ giá.
Trong khi đó, biến động tỷ giá USD/VNĐ nửa cuối năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của hai kịch bản rủi ro là lạm phát toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao vượt kỳ vọng và rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ cùng thế giới. Nếu kịch bản nghiêng về hướng suy thoái, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và ngược lại.
Trường hợp cả hai điều này xảy ra, VDSC cho rằng áp lực mất giá với tiền Đồng cũng sẽ hạ nhiệt với kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không thể tăng mạnh lãi suất khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Do đó, các chuyên gia tại đây dự báo tiền Đồng sẽ mất giá khoảng 2-2,5% trong cả năm nay, thấp hơn nhiều so với mức giảm giá của các đồng tiền khác trong khu vực châu Á.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tỷ giá vẫn gặp nhiều áp lực khi chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và VNĐ ở mức cao. Bên cạnh đó, các cân đối vĩ mô như cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài không hỗ trợ được nhiều có thể khiến tỷ giá tăng mạnh hơn kỳ vọng vào cuối năm.