Shark Hưng là nhà đầu tư duy nhất ngồi "ghế nóng" Shark Tank Việt Nam suốt 7 mùa. Ảnh: Cen Group.
Shark Tank Việt Nam đã chính thức quay trở lại trong mùa 7 với 7 "cá mập" tham gia. Câu chuyện được quan tâm nhất xoay quanh show truyền hình này vẫn là các Shark đã giải ngân ra sao, có hay chăng chuyện cam kết đầu tư từ các Shark trên sóng truyền hình chỉ là "lời hứa lèo".
Thực tế, sau 6 mùa, tỷ lệ giải ngân của chương trình ở mức khá thấp. Thậm chí trong 3 mùa gần đây chỉ giao động 10-16% startup được giải ngân tiền.
Chỉ 4-5 startup được rót vốn
Theo thông tin từ ban tổ chức, trải qua 6 mùa phát sóng, Shark Tank đã giới thiệu 291 mô hình kinh doanh tới các Shark và 174 thương vụ được cam kết đầu tư trên truyền hình, tương đương tỷ lệ được cam kết rót vốn là gần 60%. Tuy nhiên, số startup thực tế nhận được tiền từ các "cá mập" chỉ vào khoảng 60 startup, tương đương tỷ lệ giải ngân đầu tư chỉ vào khoảng 20% tổng số mô hình kinh doanh được giới thiệu, và khoảng 34% số thương vụ cam kết đầu tư.
Trong mùa 6, đã có 31 thương vụ đã nhận được cái "gật đầu" từ các Shark trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, đến 1 năm sau, khi Shark Tank mùa 7 khởi động, mới chỉ có 5 startup của mùa 6 nhận được tiền từ các "cá mập". Trong đó, đáng chú ý là thương vụ Shark Bình giải ngân cho Bánh Mì Xin Chào 500.000 USD.
Dàn "cá mập" của Shark Tank Việt Nam mùa 7. Ảnh: Shark Tank.
Tiếp nối Bánh Mì Xin Chào, startup công nghệ ánh sáng số Huepress nhanh chóng vượt qua vòng thẩm định doanh nghiệp và nhận được 100.000 USD vốn đầu tư từ Shark Tuệ Lâm. Bên cạnh đó, nữ "cá mập" này cũng Shark Erik cũng đã hoàn tất rót vốn cho startup phần mềm quản lý bán hàng Sổ Bán Hàng.
Ngoài ra, thương hiệu máy chiếu mini Beecube và startup vải công nghệ cao ADT Hitek cũng đã đạt được những điều kiện của Shark Minh Beta trong quá trình thẩm định hồ sơ năng lực, quy trình quản lý và được rót vốn đầu tư.
Chương trình không công bố tổng số tiền giải ngân nhưng tính theo số thương vụ, chỉ 16% số startup đã thực nhận tiền từ các Shark sau khi mùa 6 kết thúc.
Trước đó, vào mùa 5 đã có 31 startup thành công thuyết phục các Shark trên sóng truyền hình với số vốn cam kết ở mức 305 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng 1 năm sau đó, chỉ có 4 trong số 31 startup tại mùa 5 được rót vốn thực với số tiền giải ngân là 46 tỷ đồng, chiếm hơn 15%.
Thương vụ Shark Hùng Anh chính thức đầu tư vào chuỗi Anh ngữ Á Châu với khoản vốn lên tới 1 triệu USD đổi lấy 12% cổ phần được đánh giá là "bom tấn" của mùa này. Ngoài ra, Shark Bình cũng công bố khoản đầu tư 10 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất hàng loạt và thương mại hóa các sáng chế của kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn.
Tỷ lệ giải ngân của Shark Tank mùa 4 còn ở mức thấp hơn mùa 5. Cụ thể, kết thúc Shark Tank Việt Nam mùa 4, có 35 thương vụ nhận được cam kết đầu tư từ các "cá mập" với tổng số tiền cam kết hơn 204 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó 1 năm, chỉ 4 statup được ký kết hợp đồng đầu tư và nhận giải ngân từ các nhà đầu tư của chương trình là Coolmate, Vua Cua, AnHome và Blusaigon.
Tổng số tiền giải ngân thực tế theo công bố là 21,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% số tiền cam kết đầu tư trên sóng truyền hình.
Vì đâu tiền thực tế đầu tư thấp đến vậy?
Tại chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Hưng là người đã ngồi "ghế nóng" trong suốt 6 mùa đã qua. Tuy nhiên, 3 mùa gần đây, nhà đầu tư này vẫn chưa một lần "xuống tiền".
Tại mùa 6, 2 thương vụ của Shark Hưng là chuỗi căn hộ dịch vụ Aplus Home và Recbook vẫn đang tích cực hoàn tất các bước thẩm định cuối cùng trước khi nhận được giải ngân.
Đối với mùa 5, ban tổ chức thông tin Jungle Boss - startup du lịch mạo hiểm - là thương vụ duy nhất đi đến được bước ký kết hợp tác đầu tư với Shark Hưng, với cam kết rót 12 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty. Tuy nhiên, thông tin về vốn điều lệ của Jungle Boss vẫn chưa có sự thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc startup vẫn chưa nhận được tiền từ vị "cá mập".
Tại mùa 4, thương vụ Cello Fundamento từng được công bố đã vượt qua vòng thẩm định và được Shark Hưng giải ngân hồi tháng 6/2022. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng sau, nhà đầu tư cho biết sẽ không rót 2 tỷ đồng vào Cello Fundamento như trên truyền hình, mà đổi sang hình thức tài trợ.
Không chỉ Shark Hưng, dù góp mặt trong 4 mùa của chương trình nhưng Shark Thái Vân Linh cũng chưa một lần giải ngân vốn đầu tư cho startup.
Shark Linh không rót vốn cho bất kỳ thương vụ nào trong 4 mùa tham gia Shark Tank. Ảnh: Facebook Thái Vân Linh.
Cụ thể, tại mùa 1, Shark Linh rót vốn cho 4 startup (tính cả các deal đầu tư chung với Shark khác) với tổng số tiền 26,8 tỷ đồng (cao thứ 2, chỉ sau Shark Hưng). Đến mùa 2, số vốn mà vị này hứa hẹn đầu tư cho các nhà khởi nghiệp là 25,116 tỷ đồng. Ở mùa 3, Shark Linh xuất hiện trong 3 tập phát sóng song không có deal đầu tư nào thành công. Mùa 4, vị này cũng cam kết rót 6 tỷ đồng trên sóng truyền hình.
Thực tế, bản thân các Shark từng thừa nhận tỷ lệ startup nhận được vốn từ nhà đầu tư chỉ vào khoảng 20-25% số thương vụ cam kết trên sóng truyền hình bởi nhiều nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến startup không nhận được tiền từ các "cá mập" là không chứng minh được những cam kết hoặc số liệu đã đưa ra trên sóng truyền hình. Đây là lý do dù nhiều startup đã nhận được cái gật đầu của các Shart trên truyền hình nhưng lại bị "quay xe" sau vòng thẩm định doanh nghiệp.
"Chúng tôi cam kết đầu tư dựa vào những gì các bạn trình bày, nhưng khi đi sâu nghiên cứu, thẩm định thì mọi thứ không như vậy", Shark Hưng từng chia sẻ về lý do các startup không nhận được tiền đầu tư từ các Shark.
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp startup từ chối nhận đầu tư vì thay đổi định hướng doanh nghiệp sau chương trình.