Thời gian qua, dư luận ồn ào về chuyện giá vàng. Một loạt câu hỏi được nêu lên: Vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới từ 15-20 triệu/lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng… Chính sách vàng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?
Không doanh nghiệp nào đủ lực thao túng vàng SJC
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.
Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động ra sao.
Tại buổi làm việc với Thống đốc, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã khẳng định chênh lệch giá vàng không rơi vào doanh nghiệp nào. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn. Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu/lượng như vậy. Ngân hàng Nhà nước cho biết các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.
Bà Lê Thuý Hằng, Tổng giám đốc SJC, cho biết vấn đề chênh lệch giá vàng thì công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ-gần 400 tỷ/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ lãi ròng.
Theo bà Lê Thuý Hằng, thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện. Tất cả những khuyến mại, hậu mãi của miếng vàng miếng SJC đều thực hiện đúng quy định.
Về vàng miếng SJC, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Công ty Doji, khẳng định rằng đứng về phương diện kinh doanh, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại. Các doanh nghiệp, các ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.
Từng bước xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế
Tóm tắt về tình hình hoạt động của thị trường vàng, ông Đỗ Minh Phú – cho biết, trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra quy định về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Chủ tịch Công ty Doji đánh giá nếu Ngân hàng Nhà nước không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng; mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức.
Sau khi Nghị định 24 ra đời, cơ quan chức năng đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi...
Nhiều ý kiến của các chuyên gia đánh giá Nghị định 24 giúp ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, khiến Việt Nam chủ động trước những biến động của thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định 24 là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đây, các ngân hàng được phép huy động, bán vàng huy động, cho vay nên rất rủi ro.
Cho đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhận định thị trường vàng đã đi vào trật tự nên mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét thật kỹ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.
Một số đơn vị kinh doanh vàng cho biết đối với vàng trang sức mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước, nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu. Nghị định 24 đã có khuôn khổ pháp lý cho nhập vàng nguyên liệu, nhưng vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Thống đốc cho biết sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô, làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro.