Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên đầu tuần với nhiều rung lắc sau khởi đầu đầy hưng phấn. VN-Index đóng cửa gần thấp nhất phiên kéo theo nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm đỏ. Tuy nhiên, vẫn có những cái tên vững vàng giữ được sắc xanh xuyên suốt từ đầu phiên trong đó nổi bật phải kể đến PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling).
Cổ phiếu này thậm chí có thời điểm chạm trần từ sớm trước khi áp lực chốt lời thu hẹp biên độ. Dù vậy, PVD vẫn đóng cửa phiên 12/9 với mức tăng 2,9% và ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp bứt phá mạnh. Tính từ vùng đáy xác nhận hồi đầu tháng 7, cổ phiếu này đã tăng gần 55% chỉ trong vòng hơn 2 tháng.
Cổ phiếu PVD bứt phá mạnh
Đáng chú ý, ngay trước khi PVD bứt phá trong 2 phiên gần đây, nhóm quỹ nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý “nhanh tay” mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu PVD. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balance Fund mua 100.000 cổ phiếu. Sau giao dịch trên, tổng sở hữu của cả nhóm Dragon Capital đã tăng từ 4,77% lên 5,33% qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 7/9.
Động thái Dragon Capital diễn ra khá bất ngờ khi trước đó ít ngày Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã ra thông báo đưa cổ phiếu PVD vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Theo giải thích từ phía HoSE, nguyên nhân khiến cổ phiếu này bị cắt margin là do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PV Drilling 6 tháng năm 2022 là số âm với gần 116 tỷ đồng.
Trước đó trên báo cáo tài chính tự lập quý 2, PV Drilling đã ghi nhận khoản lỗ ròng hợp nhất 74 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu thuần vẫn tăng hơn 35% lên 1.505 tỷ đồng nhưng giá vốn thậm chí còn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp bị co lại đáng kể từ 13,3% xuống còn 8,2%. Ngoài ra, PV Drilling còn phải chịu lỗ tỷ giá trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi và cho vay sụt giảm.
PV Drilling lỗ 2 quý liên tiếp
Lợi nhuận “lội ngược dòng” trong nửa cuối năm?
Dù kết quả thua lỗ nặng trong nửa đầu năm, nhiều công ty chứng khoán lại đánh giá khá cao khả năng có lãi trong năm 2022 của PV Drilling. Đơn cử như VNDirect với dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022 của PV Drilling có thể đạt 96 tỷ đồng, tăng 388% so với cùng kỳ với giả định giá thuê trung bình giàn JU năm 2022 sẽ đạt 61.000 USD, cao hơn 17% cùng kỳ.
Theo dữ liệu của IHS Markit, giá thuê trung bình giàn JU loại 361 – 400IC ở Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ lên ~90.000 USD/ngày, cao hơn nhiều so với mức giá thuê trung bình của PV Drilling trong 6 tháng đầu năm. Với việc PVD I & PVD III đã ký hợp đồng (HĐ) dài hạn từ giữa năm 2021 khi giá thuê giàn vẫn ở mức thấp, VNDirect cho rằng PVD sẽ có được các hợp đồng khoan trong nửa cuối năm với giá thuê cao hơn cho giàn PVD II & PVD VI.
Thận trọng hơn, SSI Research cho rằng giá thuê ngày và hiệu suất sử dụng của giàn PVD JU sẽ duy trì xu hướng tích cực trong nửa cuối năm 2022 nhưng vẫn chậm hơn các đối tác trong khu vực. Bộ phận phân tích điều chỉnh giảm ước tính cho năm 2022, cụ thể là hiệu suất sử dụng và giá thuê ngày sẽ giảm từ 90% và 68.000 USD/ngày trong ước tính trước đây xuống còn 80% và 60.800 USD/ngày. Tương ứng, lợi nhuận của PV Drilling năm 2022 có thể quanh mức hòa vốn với dự phóng LNST 6 tháng cuối năm 2022 đạt 162 tỷ đồng, tăng 708% so với cùng kỳ.
Trong dài hạn, giai đoạn 2024-2025, với sự hoạt động của mỏ khí Lô B, SSI Research điều chỉnh giả định về hiệu suất hoạt động của các giàn khoan lên 95% (từ 90% trong dự báo trước) và điều chỉnh giảm ước tính giá thuê ngày xuống 83 nghìn USD/ngày (từ 86.000 USD/ngày). Các giàn thuê cũng được cắt giảm vào giai đoạn 2022~ 2023 và có thể chỉ hoạt động trở lại từ năm 2024 cho hoạt động của Lô B.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng PV Drilling là một doanh nghiệp thượng nguồn trong lĩnh vực dầu khí và kết quả kinh doanh vẫn chịu ảnh hưởng nhất định từ diễn biến giá dầu thế giới – loại hàng hóa có biến động khó lượng do các yếu tố địa chính trị. Thêm nữa, PV Drilling cũng đã từng không ít lần gây ngỡ ngàng với những khoản lỗ bất ngờ. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư cổ phiếu này.