Smartphone hiện nay thường có từ 2 camera trở lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau như chụp ảnh gia đình đông người, chụp ảnh khi đi du lịch, xem các trận bóng đá. Đôi khi người dùng không hiểu rõ cách thức hoạt động của chúng và cảm thấy chỉ sử dụng camera chính, không cần những camera còn lại.
Theo Reviewgeek, ngay cả khi người dùng không hay biết, họ vẫn thường xuyên sử dụng tất cả camera trên smartphone. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện khả năng chụp ảnh nếu hiểu rõ hơn vai trò và tính năng của chúng.
Vì sao smartphone có nhiều camera?
Máy ảnh kỹ thuật số chứa rất nhiều bộ phận nhỏ, nhưng thành phần quan trọng nhất là cảm biến hình ảnh và ống kính. Cảm biến hình ảnh quyết định độ phân giải và chất lượng ảnh tổng thể, trong khi ống kính kiểm soát các đặc điểm như trường nhìn (FOV) hoặc tiêu cự.
Máy ảnh DSLR và mirrorless chuyên nghiệp có cảm biến hình ảnh tích hợp, không thể tháo rời. Vì vậy, để mang lại nhiều phong cách đa dạng cho nhiếp ảnh gia, chúng được trang bị hệ thống ống kính có thể thay đổi. Nếu muốn chụp ảnh của một đối tượng ở xa, bạn chỉ cần thay đổi ống kính đang dùng bằng loại telephoto.
Smartphone quá nhỏ và mỏng manh, không thể sử dụng ống kính hoán đổi. Vì vậy, để bắt chước tính linh hoạt của máy ảnh thực, điện thoại cung cấp nhiều cảm biến hình ảnh, mỗi cảm biến có một ống kính riêng.
Điện thoại tự động chuyển đổi giữa các máy ảnh này trong khi người dùng chụp mà không cần phải có những kiến thức cần thiết như khi sử dụng máy ảnh DSLR hoặc máy ảnh không gương lật. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chọn ống kính theo cách thủ công từ ứng dụng máy ảnh trên điện thoại của mình, tương tự cách nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lấy ống kính từ túi.
Camera góc rộng (ống kính chính)
Máy ảnh góc rộng là ống kính chính của smartphone, có tiêu cự tương đối ngắn, khoảng 24-35 mm. Đặc điểm này mang lại trường nhìn rộng, cho phép bạn chụp được những khung cảnh lớn hơn so với ống kính telephoto. Ngoài ra, độ dài tiêu cự ngắn mang lại độ sâu trường ảnh lớn, đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh đều được lấy nét.
Các ứng dụng chụp ảnh trên smartphone luôn mặc định dùng ống kính góc rộng. Vì vậy, đây thường được gọi là ống kính “chính”. Nó cũng là tùy chọn lý tưởng cho hầu hết bức ảnh thông dụng.
Camera góc rộng có xu hướng tạo ra một bức ảnh rất cơ bản. Do đó, các nhà sản xuất có thể sử dụng tính năng “chụp ảnh điện toán” để nâng cao chất lượng hoặc phong cách hình ảnh. Thông qua một số phần mềm, hình ảnh sẽ trở nên lung linh hơn.
Chế độ chân dung của iPhone là một ví dụ tuyệt vời về “chụp ảnh điện toán”. Ống kính góc rộng giúp lấy nét chủ thể và hậu cảnh, nhưng chế độ chân dung sử dụng dữ liệu từ camera tele để làm mờ hậu cảnh phía sau đối tượng.
Do hạn chế về công nghệ, phần lớn camera góc rộng trên smartphone sử dụng ống kính tiêu cự cố định. Loại ống kính này không thể điều chỉnh để phóng to hình ảnh. Vì vậy, zoom quang học không có trên ống kính góc rộng và được thay thế bằng zoom kỹ thuật số (làm giảm chất lượng hình ảnh).
Tuy nhiên, một số smartphone cung cấp tính năng zoom quang học bằng một thủ thuật thú vị. Chúng hoán đổi sang một camera khác, thường là camera tele 3x. Ngay cả khi người dùng không hiểu về máy ảnh của điện thoại, họ sẽ nhận thấy rằng chức năng zoom trông đẹp hơn trên smartphone đời mới.
Camera telephoto
Về cơ bản, ống kính tele ngược với ống kính góc rộng. Chúng có độ dài tiêu cự 50-80 mm, chuyên dùng để zoom và chụp một khu vực tương đối hẹp.
Nếu cần chụp một chú chim trên cây hoặc một đứa trẻ trong sân bóng, bạn có thể chuyển sang ống kính tele. Trên smartphone, việc này thực hiện tự động khi người dùng điều chỉnh bằng tay và thường được biểu thị bằng một biểu tượng nhỏ “2x” hoặc “3x” trên màn hình.
Ống kính tele có trường ảnh nông. Vì vậy, trong khi đối tượng chính vẫn được lấy nét, các đối tượng ở hậu cảnh (hoặc các đối tượng ở rất gần máy ảnh) có thể có hiệu ứng nhòe tự nhiên đẹp mắt.
Đặc điểm này khiến cho ống kính tele trở thành một lựa chọn tốt để chụp ảnh chân dung. Trường nhìn hẹp giúp bạn tạo khuôn hình cho đối tượng, trong khi độ sâu trường ảnh nông mang lại cho bạn hiệu ứng mờ hậu cảnh.
Tuy nhiên, hiệu ứng này ở camera tele trên smartphone không quá ấn tượng do các giới hạn liên quan đến kích thước cảm biến, khẩu độ và độ dài tiêu cự. Do đó, nhà sản xuất bổ sung thêm thuật toán phần mềm để mang lại hiệu quả làm mờ hậu cảnh tốt hơn.
Camera góc siêu rộng
Như tên gọi của mình, camera siêu rộng chụp được một khu vực rộng lớn của bất kỳ quang cảnh nào. Thậm chí hình ảnh có thể bị “thu nhỏ” khi so với việc chụp bằng máy ảnh góc rộng thông thường. Đó là lý do smartphone thường hiển thị ống kính siêu rộng là “zoom 0.5x”.
Camera siêu rộng có tiêu cự 16-24 mm, cung cấp độ sâu trường ảnh lớn. Về cơ bản, mọi thứ trong hình ảnh đều được lấy nét. Nhờ tiêu cự ngắn và độ sâu trường ảnh lớn, máy ảnh siêu rộng là một lựa chọn tuyệt vời khi chụp ở hầu hết bối cảnh.
Ống kính siêu rộng của điện thoại rất phù hợp để chụp ảnh phong cảnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể chụp được nhiều chi tiết trong không gian chật hẹp, như hành lang, đường phố hoặc nội thất ôtô.
Một điều cần lưu ý là ống kính siêu rộng gây ra hiện tượng méo hình khi chụp ở cự ly gần. Nó giống như một phiên bản nhẹ của hiệu ứng “mắt cá”. Trung tâm hình ảnh bị kéo về phía trước, trong khi đẩy các cạnh về phía góc trái và góc phải theo một đường cong.
Trong một số trường hợp, hiệu ứng méo hình này tỏ ra hữu ích, làm cho hình ảnh có cảm giác siêu thực hoặc vui vẻ. Nhưng nói chung, người dùng không nên sử dụng máy ảnh siêu rộng khi chụp các đối tượng ở khoảng cách ngắn.
Camera macro và đơn sắc
Các nhà sản xuất có xu hướng làm phong phú tính năng camera trên điện thoại tầm trung. Họ đưa vào nhiều thứ giúp thiết bị giá rẻ trở nên “cao cấp” hơn. Một số điện thoại có thể có thêm camera macro hoặc cảm biến đơn sắc.
Máy ảnh macro được thiết kế đặc biệt để lấy nét các đối tượng nhỏ, thường ở khoảng cách cực ngắn. Bạn có thể dùng để chụp ảnh chi tiết các khối LEGO, bông hoa, côn trùng.
Tuy nhiên, trừ khi bạn là người rất thích chụp ảnh macro, nếu không, ống kính macro trên smartphone không hữu ích và hiếm khi được dùng. Đó là lý do iPhone đời mới sử dụng ống kính tele cho chế độ chụp macro thay vì bổ sung thêm một camera chuyên biệt.
Đối với cảm biến đơn sắc, bạn có thể dùng để chụp những bức ảnh trắng đen cơ bản. Ngoài ra, khi trang bị cảm biến này cho smartphone, nhà sản xuất còn dùng nó để tăng độ tương phản cho những hình ảnh đầy đủ màu sắc. Ảnh được chụp đồng thời bởi cả camera chính và cảm biến đơn sắc, thông tin về độ tương phản được lấy từ ảnh đen trắng để nâng cao chất lượng.
Tương tự camera macro, cảm biến đơn sắc thường được trang bị trên điện thoại tầm trung. Do đó, không có quá nhiều điện thoại có camera macro hoặc cảm biến đơn sắc chất lượng cao.
Cảm biến ToF
Một số thiết bị, bao gồm cả iPhone hiện nay, sử dụng cảm biến ToF để đo độ sâu. Nó phát ra một chùm ánh sáng hồng ngoại, đo thời gian cần thiết để ánh sáng quay trở lại và tạo ra một bản đồ 3D có thể được sử dụng bởi phần mềm chụp ảnh điện toán hoặc các ứng dụng khác.
Cảm biến ToF của iPhone được đi kèm với cảm biến LiDAR. Cả 2 công nghệ đều thực hiện cùng một nhiệm vụ cơ bản nhưng cảm biến LiDAR chính xác hơn một chút khi chúng phát ra nhiều chùm ánh sáng không nhìn thấy được. Tuy nhiên, cảm biến ToF cần ít sức mạnh xử lý hơn và trở thành lựa chọn lý tưởng để chụp ảnh.
iPhone sử dụng cảm biến ToF để cải thiện khả năng lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu và mang lại độ chính xác cao hơn ở chế độ chân dung.
Ngoài ra, nhờ sự kết hợp của ToF và LiDAR cho Face ID, tính năng nhận dạng khuôn mặt trên iPhone an toàn hơn so với trên Android. Các thiết bị như Pixel 7 quét ảnh 2D để mở khóa bằng khuôn mặt, trong khi iPhone xử lý bản đồ độ sâu 3D.