Cách đây mười năm, khi bán lại một chiếc đồng hồ Rolex, bạn có thể hòa vốn hoặc bị lỗ. Nhưng kể từ năm 2010, việc mua đồng hồ Rolex đã qua sử dụng lại đang trở thành xu hướng. Từ năm 2020 trở lại đây, một chiếc Rolex qua sử dụng có thể được bán với giá cao gấp 1,5 tới 3 lần so với giá bán lẻ hiện tại. Một chiếc đồng hồ Rolex Daytona mới toanh có giá khoảng 14.800 USD, nhưng nếu đã qua sử dụng thì giá có thể lên tới 38.000 USD. Vì sao lại như vậy?
Những người đeo đồng hồ Rolex dĩ nhiên không phải để xem giờ mà là để thể hiện địa vị, đẳng cấp, cá tính nên người ta sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để sở hữu được một chiếc.
Các chuyên gia ước tính để làm ra một chiếc đồng hồ Rolex thì cần tới khoảng một năm. Do đó, thời gian xếp hàng chờ để mua được một chiếc thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Thời nay, không có chuyện cứ bước chân vào cửa hàng Rolex rồi quẹt thẻ là được như ý. Trong mấy năm gần đây, nguồn cầu món hàng này tăng lên, Rolex không thể nào sản xuất kịp để đáp ứng. Do đó, ai muốn mua phải tìm đến thị trường bán lại, may ra tìm được chiếc đồng hồ ưng ý. Ở đây, họ còn có thể tìm được những kiểu dáng hiếm hay những mẫu Rolex đã ngưng sản xuất. Điều này khiến giá đồng hồ Rolex đã qua sử dụng tăng vọt.
Một ví dụ điển hình là chiếc Rolex Kermit. Mẫu này được ra mắt lần đầu vào năm 2003 để kỷ niệm 50 năm thành lập Rolex. Chiếc đồng hồ có viền màu xanh lá cây nổi bật. Lúc đầu, nó không được các nhà phê bình hoan nghênh vì bị coi là khác biệt so với chuẩn mực, vẻ ngoài không ‘sang’ và không có cảm giác tinh xảo, nói chung là ‘trông không Rolex chút nào’.
Đến năm 2010, Rolex Kermit bị ngừng sản xuất sau vỏn vẹn 7 năm có mặt trên thị trường. Điều này có nghĩa so với các mẫu khác, Rolex Kermit có số lượng sản xuất ít hơn.
Và thế là đến nay, Rolex Kermit phiên bản đầu tiên đã trở thành một trong những chiếc đồng hồ Rolex hiếm hoi đạt được vị thế huyền thoại trên thị trường bán lại với mức giá khổng lồ.
Giống như đồ cổ, Rolex càng nhiều năm tuổi thì càng có giá. Vì rất bền nên ngay cả khi một chiếc đồng hồ Rolex đã hơn 20 năm tuổi, người dùng vẫn được tận hưởng độ chính xác, chất lượng và công nghệ không thua kém gì đồng hồ mới sản xuất ngày nay.
Không chỉ vậy, thiết kế của Rolex có vẻ đẹp vượt thời gian, sau hàng chục năm vẫn không bị lỗi mốt. Vì vậy, Rolex còn được dùng làm ‘của gia bảo’ truyền lại cho đời con cháu hay trở thành một món đầu tư.
Đối với dân sưu tầm, một chiếc Rolex nhuốm màu thời gian, có vết xước, vết mòn hay những dấu vết khác đến từ người chủ ban đầu luôn là thứ được săn tìm ráo riết vì mỗi dấu vết lại chứa đựng một câu chuyện khác nhau.
Công ty Rolex xưa nay cũng chỉ kinh doanh đồng hồ mới. Nhưng tới cuối năm 2022, công ty đã triển khai chương trình bảo chứng đồng hồ Rolex đã qua sử dụng.
Giấy bảo chứng này xác nhận đây là một chiếc Rolex chính hãng, vẫn chạy bình thường và đại lý có thể tiếp tục bán. Chương trình chỉ áp dụng cho các đồng hồ trên 3 năm tuổi và mới chỉ có mặt tại 6 quốc gia.
Chứng nhận này có khả năng tiếp tục đẩy giá đồng hồ cũ lên cao, nhất là khi thị trường thứ cấp chủ yếu hoạt động mạnh trên mạng, nơi người mua cần một thứ gì đó để bảo đảm.
Năm 2021, doanh số Rolex qua sử dụng đã lên tới 22 tỉ USD. Số lượng Rolex đã qua sử dụng được chào bán trên thị trường bán lại đã tăng gần gấp đôi từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022.
Tham khảo từ: Wall Street Journal