Chia sẻ mới đây về sự bùng nổ của bất động sản, ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Vietstarland cho biết làn sóng dịch chuyển từ trung tâm cũ (Old Town) sang đô thị mới (New City) đang tạo ra các điểm đến, BĐS sống có giá trị cao.
“Nếu cách đây 5-10 năm ít ai nghĩ đến chuyện sang Gia Lâm, Hưng Yên mua những căn biệt thự có giá lên đến hàng chục tỷ đồng thì nay mức giá thực tế tại nhiều dự án khu vực này đã đạt con số trung bình 150 triệu đồng/m2, xuất hiện những căn biệt thự giá trị lớn lên đến gần trăm tỷ”, ông Khiêm cho biết.
Cũng theo ông Khiêm, có một thực tế rằng trong 2 năm qua giá nhiều bất động sản tại khu Đông đã tăng gấp 2 thậm chí 3 lần. Nếu như năm 2020 căn biệt thự song lập tại Vinhomes Ocean Park chỉ có giá 14 tỷ thì đến đầu năm 2022, giá đã tăng vọt lên hơn 30 tỷ.
“Có những dự án nhà phố shophouse khu Đông có giá lên tới 400 triệu đồng/m2, đắt ngang ngửa với những căn nhà mặt phố khu vực trung tâm. Tôi cho rằng đây là mặt tiền mới của Hà Nội bởi hiện nay các “đại bàng” như Samsung, LG, Google đang dần hình thành chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu Đông”, ông Khiêm nhận định.
Quan sát thực tế trên thị trường BĐS thời gian vừa qua, trong khi các khu vực Nam, Bắc, Tây vẫn “im lìm” thì sự bứt phá đang đổ dồn về khu Đông. Điều dễ nhận thấy nhất là hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn đều đã chọn phía Đông Hà Nội làm nơi “đóng đô” với những cái tên như Vinhomes, Ecopark, Masterise, Sunshine, BRG, Eurowindow…
Hàng loạt các nhà phát triển bất động sản đã "đổ bộ" xuống khu Đông làm nên một cuộc "lột xác" về hạ tầng. Đồng thời, những dự án tỷ USD còn kiến tạo nên một trung tâm mới hiện đại và sầm uất. Trước đây, Hà Nội từng triển khai nhiều quy hoạch để giãn dân, như Đề án giãn dân phố cổ, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Cuộc dịch chuyển mở rộng đến phía Đông thủ đô đã tạo nên nhiều bước ngoặt.
Sự tụ họp của các ông lớn đã định hình lại “trọng tâm” mới ở thị trường bất động sản. Nếu như trước những năm 2010, khu Đông Hà Nội hầu như không được giới đầu tư quan tâm, một phần vì giao thông cách trở, một phần vì hạ tầng nghèo nàn. Tuy nhiên, hệ thống cầu vượt sông Hồng ngày càng hoàn thiện đã trở thành cú hích khiến tốc độ phát triển và sức nóng của khu Đông gia tăng theo cấp số nhân.
Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, thị phần ở khu vực này luôn giữ thị phần ở khoảng hơn 30%; thậm chí có những thời điểm vượt hơn 60%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2022 khi cả thị trường bất động sản im lìm thì khu Đông vẫn chứng kiến giao dịch sôi động và sự phát triển mạnh mẽ của những dự án lớn.
Đánh giá về sự phát triển của khu Đông Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc CBRE Hà Nội từng nhận định xu hướng phát triển của thị trường bất động sản trong tương lại sẽ tập trung chủ yếu ở khu Đông, đây sẽ là khu vực tăng trưởng vượt trội trong 10 năm tới.
“Nhìn lại sự phát triển của bờ bên kia sông Sài Gòn – khu Đông chúng ta đều thấy có nhiều nét tương đồng với khu Đông Hà Nội. Nếu như trước đây, do kết nối giao thông chưa thuận tiện nên quận Thủ Thiêm và nhiều huyện tại khu Đông không phải là địa bàn được người mua nhà ưa chuộng, giá nhà ở đây còn ở mức thấp, chỉ 20 - 25 triệu/m2. Đến khi hàng loạt các cây cầu, đường hầm kết nối giữa trung tâm quận 1 và quận Thủ Thiêm xuất hiện, thị trường nhà ở nơi đây bứt phá mạnh mẽ, có những khu vực tăng giá cả chục lần”, bà An cho biết.
Giờ đây, theo bà An, Thủ Thiêm đã trở thành một trong những khu vực nóng của TP. HCM với giá nhà cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, khu Đông TPHCM trở thành thành phố Thủ Đức đã tạo ra sự phát triển vượt bậc của thị trường bất động sản nơi đây.
Với những gì đã, đang và dự kiến sẽ xảy ra với phía Đông TPHCM, bà An cho rằng một kịch bản tương tự sẽ xảy ra với khu Đông Hà Nội và đây sẽ là một khu vực đáng lưu tâm của thị trường nhà ở Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và tương lai những năm tới. Đặc biệt, trong bối cảnh mới đây có đề xuất thành lập thành phố Khu Đông Hà Nội.