Cụ thể như: Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, từ ngày 10/5 điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn. Công ty Cổ phần Xi măng vicem Hoàng Mai cũng tăng 80.000 đồng/tấn với tất cả các loại. Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 55.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với quý IV/2021.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,97 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 44,12 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện tồn kho sản phẩm xi măng của cả nước trong 5 tháng năm 2022 khoảng 4,7 triệu tấn tương đương khoảng 20 - 25 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Nhận định của giới chuyên gia, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng.
Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.
Được biết, trong đợt điều chỉnh tăng giá tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đều có mức tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn sản phẩm.
Năm 2021, ngành xi măng lập kỷ lục về tiêu thụ với 108,4 triệu tấn, tăng 8,1% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa 62,7 triệu tấn, tăng 0,9%; xuất khẩu gần 46 triệu tấn, tăng 20,1%.