7 tháng đầu năm, Hải Phòng đã thu hàng nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất và tiền thuê đất tại dự án Vinhomes Vũ Yên. Ảnh: Quốc Nam.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Hải Phòng cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 7 ước đạt 8.063 tỷ đồng. Trong số này, 69% mức thu tới từ hoạt động xuất nhập khẩu, đạt gần 5.600 tỷ đồng và 31% đến từ thu nội địa đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Ước tính 7 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn "thành phố hoa phượng đỏ" đạt 68.875 tỷ đồng, hoàn thành 65% dự toán mà Hội đồng Nhân nhân thành phố giao và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, Hải Phòng hiện đứng thứ 2 (sau thủ đô Hà Nội) về thu ngân sách Nhà nước vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.
Dự án Vinhomes Vũ Yên nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng
Xét chung trong 7 tháng, nguồn thu tăng mạnh nhất của Hải Phòng là khoản thu nội địa với mức tăng 82% so với cùng kỳ năm trước đạt 32.334 tỷ đồng, trong khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 7% đạt 35.597 tỷ đồng.
Phân tích rõ hơn kết quả thu trong 7 tháng, Cục Thuế thành phố cho biết khoản thu nội địa tăng chủ yếu do phát sinh phần tăng thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Cụ thể, từ đầu năm, thành phố này đã ghi nhận một khoản thu giá trị lớn từ Tập đoàn Vingroup khi doanh nghiệp này nộp tiền sử dụng đất hơn 5.600 tỷ đồng và tiền thuê đất khoảng 1.016 tỷ đồng phát sinh tại dự án Vinhomes Vũ Yên (tên thương mại Vinhomes Royal Island Vũ Yên Hải Phòng).
Chỉ trong quý I, Hải Phòng cho biết nguồn thu từ tiền sử dụng đất đã tăng mạnh đạt 9.889 tỷ đồng, bằng 82% dự toán Trung ương giao, tương đương 68% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao và cao gấp 9 lần cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, Hải quan Hải Phòng cũng là đơn vị góp phần không nhỏ vào kết quả thu ngân sách chung toàn thành phố. Cơ quan này thông tin trong nửa đầu năm đã thực hiện thủ tục 1,28 triệu tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 18% so cùng kỳ.
Số thu ngân sách Nhà nước qua từng tháng dần được cải thiện và tăng tốc độ thu. Riêng trong quý II, số thu hàng tháng đều vượt tiến độ thu so với chỉ tiêu được giao.
Tính chung 6 tháng đầu năm, riêng Hải quan Hải Phòng đã mang về 34.573 tỷ đồng tiền thu ngân sách cho thành phố, bằng 52% chỉ tiêu được giao, tăng 4% so với cùng kỳ.
Bắc Ninh trở lại top 10 nhờ tăng thu nhóm FDI
Với Bắc Ninh, sau giai đoạn 2022-2023 nằm ngoài top 10, đến 7 tháng đầu năm nay, địa phương này đã quay trở lại danh sách địa phương có số thu ngân sách Nhà nước lớn nhất.
Tính riêng tháng 7, số thu ngân sách Nhà nước toàn tỉnh Bắc Ninh ước đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước nhưng giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lũy kế 7 tháng, tổng thu ngân sách toàn tỉnh vẫn tăng 18%, ước đạt 20.140 tỷ đồng.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 15.238 tỷ đồng, tăng 16% và thu từ hải quan ước đạt 4.895 tỷ đồng, tăng 22%.
Trong phần thu nội địa, Cục Thống kê tỉnh cho biết tất cả khoản thu đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, một số khoản thu có tỷ lệ thực hiện dự toán và tăng cao là thu thuế ngoài Nhà nước bằng 84% dự toán, tăng 35%; thu phí, lệ phí bằng 88% dự toán, tăng 28%; thu thuế thu nhập cá nhân bằng 74% dự toán, tăng 19%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương bằng 68% dự toán, tăng 14%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng 70% dự toán, tăng 8%.
Số thu ngân sách toàn tỉnh Bắc Ninh tăng vọt nhờ phần tăng thu từ nhóm doanh nghiệp FDI từ đầu năm. Ảnh: Samsung VN.
Đáng chú ý, dù chỉ ghi nhận mức tăng 8%, số thu từ doanh nghiệp FDI của Bắc Ninh 7 tháng qua vẫn đóng góp gần một nửa vào tổng thu nội địa của tỉnh và hơn 1/3 tổng thu ngân sách Nhà nước toàn tỉnh. Đồng thời, đây cũng là động lực chính giúp tổng thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh bứt phá từ đầu năm.
Năm nay, dự toán giao số thu từ khu vực FDI của Bắc Ninh đạt 10.000 tỷ đồng, với tiến độ thu hơn 70% dự toán, ước tính sau 7 tháng, toàn tỉnh đã thu được hơn 7.000 tỷ đồng từ nhóm doanh nghiệp này.
Thực tế, dòng vốn FDI vào Bắc Ninh cũng đã tăng trưởng mạnh từ đầu năm nay. Cục Thống kê tỉnh đánh giá với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau 7 tháng, toàn tỉnh đã thu hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI, cao gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, ghi nhận 279 dự án mới với gần 1,5 tỷ USD vốn đăng ký mới, tăng đột biến 53% về số dự án và 90% về vốn so với cùng kỳ năm 2023. Các nhà đầu tư mới chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục (178 dự án); Hong Kong (31 dự án); Singapore (29 dự án)...
Toàn tỉnh cũng ghi nhận điều chỉnh vốn cho 109 dự án (+21 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng gần 1,6 tỷ USD (+1,2 tỷ USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 28 lượt (-5 lượt) với giá trị 40,9 triệu USD (+24,4 triệu USD); thu hồi 47 dự án (+21 dự án) với tổng vốn đầu tư là 53,7 triệu USD (-9,1 triệu USD).
Riêng tháng 7, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 356 triệu USD. Trong đó, có 3 dự án lớn của Singapore là dự án đầu tư vào ngành sản xuất bản mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao (260 triệu USD); dự án sản xuất linh kiện điện tử (50 triệu USD); dự án sản xuất thiết bị và dụng cụ quang học (26,85 triệu USD).