Thanh khoản hệ thống đang 'thừa nhiều hơn thiếu'
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tính từ đầu tháng 2 đến 24/02/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng khoảng hơn 189 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở. Đây là quy mô rút ròng lớn nhất theo tháng kể từ khi NHNN kích hoạt lại kênh bơm/hút vốn trên thị trường mở từ tháng 06/2022. Lượng tiền hút ròng qua thị trường mở trong tháng qua cũng cao hơn nhiều so với lượng bơm ròng khoảng 122 nghìn tỷ đồng trong tháng đầu năm.
Tính đến ngày 24/02, số dư trên thị trường mở đối với tín phiếu NHNN là 160,6 nghìn tỷ đồng, gấp 6,4 lần so với cuối tháng 01/2023. Trong đó, khoảng 69 nghìn tỷ đồng (43% lượng tín phiếu đang lưu hành) có kỳ hạn 91 ngày, dự kiến đáo hạn từ 17-26/05/2023. Trái lại, số dư nghiệp vụ mua kỳ hạn là 31,7 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 53 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 01/2023.
Theo VDSC, động thái hút ròng mạnh của NHNN trong tháng vừa qua có nguyên nhân đến từ sự sụt giảm của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng giảm chỉ còn 3,6%/năm vào giữa tháng, thấp nhất kể từ đầu năm và thấp hơn 76 điểm cơ bản so với lãi suất cho vay qua đêm đối với đồng USD. Tuy nhiên, gần về cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm đã hồi phục nhanh lên xấp xỉ 6,2%/năm, diễn biến phù hợp với việc điều hành cung tiền của NHNN. Tương tự, lãi suất đấu thầu ở nghiệp vụ phát hành tín phiếu trên thị trường mở cũng có nhịp giảm sâu về mức 3,8%/năm và phục hồi trở lại ở mức 6,0%/năm.
“Diễn biến trên cho thấy thanh khoản hệ thống đang “thừa nhiều hơn thiếu”, mà chúng tôi cho rằng một phần nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp chưa mạnh trong những tháng đầu năm”. VDSC nhận định.
Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cho rằng việc điều hành cung tiền của NHNN vẫn có sự nhất quán giống giai đoạn tháng 6-9/2022, kiểm soát vùng biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để phù hợp với mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá.
Lãi suất huy động giảm trên diện rộng
Song song với diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, VDSC cho biết lãi suất trên thị trường 2 cũng có sự điều chỉnh giảm. Từ sau Tết nguyên đán, nhiều NHTMCP tư nhân đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng với mức giảm từ 0,2-0,5 điểm %.
Hiện tại, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn 12 tháng là 8-9,5%/năm. Nổi bật hơn, vốn từng là một trong những ngân hàng huy động lãi suất cao nhất thị trường, SCB mới đây cũng đã giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại quầy từ mức 9,5%/năm chỉ còn 7,8%/năm.
Nhóm NHTMCP Nhà nước (Big 4) có Vietcombank và Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trực tuyến về bằng lãi suất tiền gửi tại quầy. Trong khi đó, BIDV đã giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn dài sau 12 tháng xuống còn 7,8%/năm, từ mức 8,2%/năm.
Theo VDSC, việc thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất và xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng. Điều này cũng phần nào giúp cho lãi suất cho vay hạ nhiệt, theo khảo sát của một số ngân hàng, mức giảm đối với vay tiêu dùng và mua nhà đã giảm từ 0,2-0,3 điểm % so với đầu năm. Đồng thời, các ngân hàng từ khối Nhà nước đến tư nhân cũng công bố các chương trình kích cầu tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi với cam kết điều chỉnh giảm từ 0,5-3 điểm % đối với từng đối tượng cho vay cụ thể.
Diễn biến lãi suất trên thị trường vừa qua cũng gắn với nhu cầu tín dụng còn thấp. Trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và Tp.HCM ước tăng lần lượt 2,0% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Với quy mô tín dụng ở hai thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 02/2023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.
Nhóm phân tích cho rằng diễn biến tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm là phù hợp nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế. Sắp tới, các động thái giảm lãi suất từ các NHTM kỳ vọng có thể phần nào thúc đẩy cầu tín dụng, tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay khó có thể giảm sâu.