Theo trang OtoDriver (Indonesia), một biên tập viên đã đến dự triển lãm Singapore Motorshow 2024, và điều làm người này ấn tượng là mức giá đắt giật mình của các chiếc xe ở đó.
Ví dụ, hãy so sánh giá của một chiếc Mazda 2 Hatchback. Mẫu xe này được tiếp thị tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với cùng cấu hình.
Về giá bán, Mazda Singapore đã đặt giá cho Mazda 2 Hatchback là 190.000 đô la Singapore. Con số này tương đương mức giá quy đổi lên đến 3,47 tỷ đồng. Trong khi đó, giá xe lăn bánh tại Indonesia chỉ là 340,8 triệu IDR (tương đương 535 triệu đồng).
Trong khi đó tại Việt Nam, có 2 phiên bản của Mazda 2 Hatchback là Sport Luxury giá khởi điểm 517 triệu đồng (lăn bánh trên dưới 600 triệu đồng) và Sport Premium giá khởi điểm 557 triệu đồng.
Như vậy, có thể dễ dàng thấy được sự chênh lệch lớn giữa chi phí mua xe giữa Singapore và các nước khác. Cụ thể, con số tại đảo quốc sư tử cao hơn từ 5 đến 7 lần so với hai thị trường láng giềng Việt Nam và Indonesia .
Singapore là quốc gia có mức chi phí sở hữu ô tô đắt đỏ bậc nhất thế giới. Có 6 yếu tố chính quyết định giá xe của một chiếc ôtô mới ở Singapore: giá trị thực của xe, phí đăng ký bổ sung, thuế tiêu thụ đặc biệt, giấy chứng nhận quyền mua xe (COE - Certificate Of Entitlement), phụ phí phát thải xe cộ và lợi nhuận của các đại lý.
Những khoản trên đều do người bán là hãng xe và đại lý nộp, vì vậy từ giá trị thực của xe, cộng với tất cả các khoản trên sẽ ra mức giá mà đại lý bán ra thị trường. Các chi phí này khiến một mẫu xe có thể bị đẩy giá lên 4-5 lần so với giá trị thực của xe.
Đầu tiên, giá trị xe cơ bản của hãng. Mức giá này tại Singapore rẻ hơn một số nước trong khu vực, chỉ tương đương Mỹ và Châu Âu. Ví dụ, mẫu Civic có giá trị là 15.000 USD.
Thứ hai, phí đăng ký bổ sung, gần giống lệ phí trước bạ tại Việt Nam. Loại phí này được tính trên giá xe mới, nếu xe có giá bán dưới 20.000 đô la Sing (khoảng 14.868 USD) sẽ cộng thêm 100% giá trị xe, từ 20.000 đến 50.000 đôla Sing (14.868-37.173 USD) cộng thêm 140% giá trị xe, trên 50.000 đôla Sing (37.173 USD) cộng thêm 180% giá trị xe. Theo công thức này, Civic có mức phí đăng ký bổ sung là gần bằng giá xe 15.000 USD.
Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên hàng hóa được tính bằng 20% giá trị xe cộng với phí đăng kí bổ sung. Ví dụ, mẫu Civic có giá sau khi cộng phí đăng kí bổ sung 30.000 USD, vì vậy, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 20% của 30.000 USD, tức 6.000 USD. Giá xe lúc này đã bị đẩy lên thành 36.000 USD.
Thứ tư, giấy chứng nhận quyền mua xe như một chứng chỉ lưu hành và chỉ có giá trị trong 10 năm. Tức là một chiếc xe sẽ được đăng ký và sử dụng hợp pháp trong 10 năm tại Singapore. Để hạn chế lượng xe thực tế lăn bánh trên đường tăng lên, số thẻ COE cấp mới mỗi năm sẽ bằng hoặc chỉ cao hơn một chút so với số xe bị tước quyền sử dụng trong năm đó do hết hạn COE hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Năm 2015, nước này loại tổng cộng 22.340 xe ra khỏi diện lưu hành và cấp 21.845 thẻ COE mới. Trung bình, COE cấp mới một năm sẽ chỉ được nhiều hơn số xe bị loại khỏi diện lưu hành tối đa là 3%, ví dụ giai đoạn 2015-2018 là 0,25%.
Điều đặc biệt, chi phí cho COE không cố định mà được đấu giá theo năm, dựa trên số lượng xe cần đăng ký mới và xe bị loại bỏ trong năm đó. COE càng cao tức là số lượng xe mới cần đăng ký càng cao, hoặc xe bị loại bỏ trong năm đó thấp.
Không chỉ mua xe, theo khảo sát của Seedly (cộng đồng tài chính cá nhân lớn nhất Singapore), chi phí sử dụng xe trung bình mỗi tháng ở đất nước này cũng khá cao, vào khoảng hơn 1.100 USD, chủ yếu đến từ bảo hiểm, nhiên liệu, đỗ xe...
Giá mua xe ban đầu đắt đỏ, nhưng mức khấu hao của xe lại rất lớn, khi xe có thể mất tới 60% giá trị trong năm đầu tiên. Bình quân một chiếc xe tại Singapore khấu hao hơn 8.900 USD mỗi năm.