Tâm lý “gồng” nợ
7 tháng trở lại đây, anh Trần Ngọc Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) chấp nhận vay lãi ngoài để chi trả cho khoản nợ đến hạn. Hiện tại, tổng số tiền nợ ngân hàng từ thế chấp bất động sản của anh Tiến lên tới hơn 5 tỷ đồng. Với số tiền vay ngân hàng, anh dành để mua 2 lô đất đấu giá tại Hải Dương, và 1 lô đất bám sát đường Vành đai 4 tại Sóc Sơn (Hà Nội). Với mức lãi suất 15%/năm, ước tính mỗi tháng, anh Tiến phải trả 63 triệu đồng tiền lãi, chưa tính tiền gốc.
Ở thời điểm thế chấp căn nhà đang ở để vay tiền ngân hàng và 2 căn hộ chung cư đang cho thuê để đầu tư đất, như mọi lần, anh Tiến nhẩm tính chỉ khoảng 6 tháng-1năm sẽ bán đất, chốt lãi. Nhưng dự tính lần này đã “vỡ” khi thị trường trầm lắng.
Từ tháng 9/2022, anh Tiến đã phải mượn tiền người thân và bạn bè, chi trả cho khoản nợ đến hạn. Đến tháng 12/2022, ngoài khoản lãi, anh Tiến buộc phải thanh toán một phần tiền gốc. Để thanh toán khoản nợ này, anh Tiến vay tiền từ người bạn trong ngành với mức lãi suất 1,7%/tháng, tương đương khoảng 20,4%/năm.
Khi được hỏi vì sao không “cắt lỗ” bất động sản để lấy tiền tất toán một phần tiền nợ lãi ngân hàng, nhà đầu tư này cho biết, có nhiều lý do khiến anh chưa mạnh dạn đưa ra quyết định cắt lỗ. Thứ nhất, trước đó, nhà đầu tư này đã rao bán “cắt lãi” một số lô đất nền nhưng không thành công. Hiện tại nếu muốn thanh khoản, lô đất buộc phải “cắt lỗ sâu”. Đó là kịch bản mà anh Tiến gọi là phương án xấu nhất.
Thứ hai, anh Tiến kỳ vọng bất động sản sẽ tăng bật trở lại. Nếu cắt lỗ sớm, mất hàng, khi thị trường hồi, nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội.
Theo anh Tiến, không chỉ anh mà trong đội nhóm đầu tư, nhiều người cũng đang chấp nhận vay lãi ngoài, chi trả khoản nợ ngân hàng và chờ đợi thị trường khởi sắc để thoát hàng.
Cắt lỗ hay chờ đợi thị trường hồi phục
Ông Ngô Phương, CEO Bảo An Group cho biết, tình trạng nhà đầu tư vay lãi ngoài chi trả khoản tiền nợ ngân hàng không phải hiếm gặp. Là người làm trong nghề bất động sản lâu năm, ông Phương tiết lộ, nhiều người bạn của ông đang gặp khó vì bất động sản khó thanh khoản. Chưa kể, giá bất động sản hạ. Đơn cử như, một số bất động sản ở Đà Nẵng hiện giảm tới 40-50% so với thời điểm thị trường “nóng”.
“Nỗi sợ nhất của nhà đầu tư bây giờ là trả tiền lãi ngân hàng. Nhiều người phải chấp nhận vay lãi ngoài với lãi suất cao hơn để chi trả tiền nợ nhà băng”, ông Phương nói.
Khi nói về “tâm lý của các nhà đầu tư hiện tại: Chấp nhận vay lãi ngoài trả lãi ngân hàng nhưng không muốn cắt lỗ”, ông Phương cho rằng, dù thừa nhận việc trả lãi ngân hàng là gánh nặng cho các nhà đầu tư. Song theo ông Phương, vấn đề của một số nhà đầu tư vẫn quan điểm rằng: “Họ chưa muốn cắt lỗ vì lo ngại thị trường có thể thay đổi”. Ngay cả cắt lỗ cũng chưa chắc đã có thể thanh khoản được bất động sản.
“Không ai có thể biết ngày mai thị trường sẽ diễn ra thế nào? Giá bất động sản sẽ tăng hay giảm? Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, đợi chờ thị trường sẽ khởi sắc, giá sẽ tăng. Nếu cắt lỗ ở hiện tại, nếu mai thị trường hồi, giá bất động sản tăng thì sao?”, ông Ngô Phương chia sẻ.
Trước đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng: “Nhà đầu tư và giới đầu tư đều không muốn bị lỗ, thế nên đa số mọi người đều đang nằm chờ. Ngoài ra, chi phí bỏ ra để đầu tư lại không hề nhỏ, nếu như cắt lỗ bây giờ sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có những lúc chúng ta cần phải chấp nhận thà cắt lỗ còn hơn là mất hết”.
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra khuyến nghị rằng: “Mỗi nhà đầu tư bất động sản hãy tự nghĩ cách cứu mình”.
Thực tế, với các nhà đầu tư, những quyết định đưa ra phải phụ thuộc vào tình hình tài chính nội tại, khả năng gồng lỗ cho bất động sản, tính thanh khoản của sản phẩm cũng như sức chịu đựng tác động từ thị trường. Ở thời điểm hiện tại, chắc chắn các quyết định đưa ra đều khó khăn.