Tờ CNN mở đầu bài viết nói rằng bất kỳ ai cũng đều thích ngày thứ 6, trừ một số nhân viên ngân hàng, quan chức giám sát ngành này và các luật sư.
Có một sự thật là, việc các ngân hàng gặp rắc rối thường được thông tin vào thứ sáu. CNN trích thống kê của Kobeissi Letter – tổ chức chuyên cung cấp thông tin về thị trường vốn toàn cầu - cho thấy việc này đã diễn ra nhiều lần. Cụ thể:
Ngày 14/3/2008: Bear Stearns chịu cú sốc từ khủng hoảng thanh khoản, phải nhận cứu trợ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York và JPMorgan.
Ngày 12/9/2008: Ngày giao dịch cuối cùng của Lehman Brothers trước khi tuyên bố phá sản vào 15/9.
Ngày 26/9/2008: Washington Mutual nộp đơn xin phá sản, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ.
Ngày 10/3/2023: Silicon Valley Bank bị giới chức đóng cửa. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Cũng vào ngày này, Signature Bank bị người gửi rút ra 10 tỷ USD và bị giới chức đóng cửa 2 ngày sau đó.
Ngày 17/3/2023: UBS thông báo sẽ mua Credit Suisse để ngăn ngân hàng này sụp đổ.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Câu trả lời rất đơn giản: Nếu xảy ra vào thứ 6, các sự kiện này sẽ ít gây hỗn loạn hơn.
Giới chức không muốn người dân lo sợ và làm lan truyền tâm lý hoảng loạn. Khi một ngân hàng gặp rắc rối, giới chức muốn có đủ thời gian để lập kế hoạch tiếp quản và khiến việc này lắng xuống khi mọi người đang nghỉ cuối tuần.
"Trước đây, phần lớn ngân hàng không làm việc vào cuối tuần. Vì thế, nếu giới chức đóng cửa nhà băng này vào ngày thứ 6, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ có 60 giờ để đảo ngược tình thế và mở cửa lại nhà băng đó vào tuần sau", David Barr – người phát ngôn của FDIC – cơ quan giám sát các vụ tiếp quản ngân hàng – cho biết trên CNN.
"Khi đó, một nhóm 45-60 người sẽ đi vào các ngân hàng, mang theo máy in, máy tính, máy photocopy, hộp đựng. Hiện tại thì nhóm của chúng tôi ít người hơn rồi. Phần lớn công việc có thể làm từ nhà hoặc trên văn phòng", ông nói.
Những người này sẽ phải thức xuyên đêm để rà soát các tài khoản của ngân hàng vừa bị đóng cửa, tìm ra tài sản nào có thể thanh lý. Mục tiêu cuối cùng là giúp nhà băng này sẵn sàng mở cửa lại vào sáng thứ hai, lý tưởng nhất là với chủ sở hữu mới.
"Công việc này đòi hỏi thay thế rất nhiều vật dụng có tên ngân hàng cũ, từ poster, quầy giao dịch. Giấy tờ, quảng cáo và cả nhân sự của ngân hàng mới sau đó sẽ thế chỗ", Slate cho biết trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Dù vậy, Barr nói rằng việc ngân hàng sụp đổ vẫn có thể xảy ra vào bất kỳ ngày nào trong tuần, đặc biệt là nếu vấn đề phát sinh đột ngột. Ví dụ, năm 1999, First National Bank bị đóng cửa vào ngày thứ tư. "Một vụ lừa đảo khổng lồ đã diễn ra và nửa tài sản của ngân hàng mất tích. Vì thế, họ đã bị đóng cửa ngay thứ tư", ông nhớ lại.
Các rắc rối tại Silicon Valley Bank cũng xuất hiện rất nhanh. Sự hoảng loạn lan truyền trên mạng xã hội khiến người gửi đổ xô rút 42 tỷ USD chỉ trong ngày 9/3. Đến sáng hôm sau, SVB dự báo họ có thể bị rút 100 tỷ USD. "Họ không đủ tài sản đảm bảo để vay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)", Phó chủ tịch phụ trách giám sát của Fed cho biết trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần này.
Vì thế, thay vì đợi đến cuối ngày, giới chức California đã can thiệp ngay trưa ngày 10/3. SVB bị FDIC tiếp quản.
Đến tối 12/3, giới chức Mỹ công bố áp dụng "ngoại lệ rủi ro hệ thống" với cả Silicon Valley Bank và Signature Bank, cho phép FDIC bảo hiểm cho toàn bộ tiền gửi tại đây, kể cả những khoản từ 250.000 USD trở lên.
Fed cũng thông báo sẽ lập "Chương trình cấp vốn ngân hàng", cung cấp khoản vay cho các ngân hàng với điều khoản nới lỏng hơn bình thường. Quan chức Fed cho rằng chương trình này có quy mô đủ lớn để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Bộ Tài chính cũng sẽ "dành ra 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Hối đoái" cho chương trình của Fed.
Những biện pháp này đã phát huy tác dụng. Dù tiền gửi vẫn đang bị rút khỏi các ngân hàng Mỹ, tốc độ đã chậm lại so với thời điểm SVB và Signature mới sụp đổ. Giới chức tài chính Mỹ tuần này cũng khẳng định việc rút tiền đã ổn định lại.
Nguồn: CNN